VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Sản xuất ở Trung Quốc giảm hai tháng liên tiếp

Sản xuất ở Trung Quốc giảm hai tháng liên tiếp

09:30 - 01/11/2021

Cùng với tăng trưởng kinh tế quý III chậm nhất trong 1 năm, nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu bị mất đà. Điều này gây áp lực lên Tập Cận Bình khi ông đang tiến hành cải cách chính sách sâu rộng.

Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 10, do ảnh hưởng từ sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản và tình trạng thiếu hụt năng lượng lan rộng khắp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc là 49,2 vào tháng 10, dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy sự thu hẹp sản xuất, theo dữ liệu của chính phủ được công bố vào Chủ nhật.

Dữ liệu PMI là dấu hiệu mới nhất về tình hình kinh tế ngày càng chậm lại khi hoạt động xây dựng bất động sản suy yếu và giá hàng hóa cao ảnh hưởng đến công nghiệp. Sự sụt giảm của chỉ số này từ mức 49,6 vào tháng 9 cũng phản ánh việc gián đoạn nguồn cung điện tại các nhà máy, từ những nhà máy công nghiệp nặng miền bắc Trung Quốc đến những xưởng sản xuất công nghệ cao ở Quảng Châu và Thâm Quyến.

Công nghiệp Trung Quốc đối mặt với chi phí nguyên liệu cao hơn trong tháng 10.

Công nghiệp Trung Quốc đối mặt với chi phí nguyên liệu cao hơn trong tháng 10.

Bối cảnh kinh tế xấu đi gây áp lực lớn lên Tập Cận Bình và các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của ông ở Bắc Kinh, khi ông đang thúc đẩy một loạt cải cách kinh tế và xã hội chưa từng có. Dưới ngọn cờ thúc đẩy “thịnh vượng chung”, ông Tập đã dẫn đầu một cuộc cải cách chính sách sâu rộng, đánh vào các công ty và nhà lãnh đạo kinh doanh trên lĩnh vực bất động sản, công nghệ, trò chơi điện tử, giải trí và giáo dục.

Nhưng một loạt những dữ liệu kinh tế tệ hại đang làm dấy lên những lời kêu gọi mới về cách tiếp cận chính sách mềm mại hơn từ Bắc Kinh, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, vốn cũng bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nợ của nhà phát triển Evergrande. Mức độ thu hẹp trong hoạt động sản xuất trong tháng 10 tệ hơn mức 49,7 theo dự báo của các nhà phân tích được Bloomberg thăm dò ý kiến.

Những nhà phân tích của Goldman Sachs lưu ý rằng cuộc khảo sát cũng cho thấy “áp lực lạm phát tiếp tục leo thang” khi giá cả tăng nhanh đối với các nguyên liệu đầu vào công nghiệp bao gồm xăng dầu, than đá, nguyên liệu hóa học và kim loại.

Số liệu do Cục Thống kê Quốc gia công bố vào Chủ nhật được đưa ra 2 tuần sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế trong quý thứ III giảm xuống tốc độ chậm nhất trong 1 năm.

Theo các nhà phân tích của Gavekal Dragonomics, mặc dù kinh tế Trung Quốc được dự đoán là chậm lại sau sự bùng nổ hậu Covid, nhưng tình hình đã phát triển thành “sự mất mát đáng kinh ngạc động lực kinh tế”.

Rất nhiều khó khăn từ phía nguồn cung đang làm xấu đi triển vọng tăng trưởng của đất nước. Các vấn đề khác nhau, từ tình trạng thiếu chip máy tính đến mạng lưới logistics quá căng thẳng trong những tháng đầu của đại dịch giờ đây càng khó khăn hơn do gián đoạn cung cấp điện và các đợt phong tỏa lẻ tẻ để đối phó với sự bùng phát của virus corona.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Gavekal cho biết, “vấn đề thực sự là ở phía cầu”, chỉ ra sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản ngày càng trầm trọng xuất phát từ những chính sách quản lý và tài chính thắt chặt.

Các nhà phân tích của Gavekal cho biết trong một nghiên cứu trước khi công bố PMI: “Vì lĩnh vực bất động sản là động lực quan trọng nhất của hoạt động theo chu kỳ, nên tăng trưởng tổng thể sẽ suy yếu hơn nữa trong [quý IV] và đến năm 2022”. Họ cũng nói rằng Bắc Kinh “chỉ đưa ra dấu hiệu nới lỏng một chút các chính sách bất động sản nghiêm ngặt của mình”.

PMI phi sản xuất của Trung Quốc giảm xuống 52,4 từ mức 53,2 trong tháng trước, trong khi chỉ số tổng hợp cũng tiến gần hơn đến vùng thu hẹp, ở mức 50,8 so với 51,7 một tháng trước.

Các nhà phân tích của Citi cảnh báo rằng hoạt động sản xuất yếu đang đi kèm với giá sản xuất tăng mạnh. “Do hậu quả của việc phân phối điện theo định mức và những hạn chế về nguồn cung liên quan, các đặc điểm của “lạm phát đình trệ” (stagflation – kinh tế tăng trưởng chậm trong khi lạm phát cao) đã trở nên rõ ràng hơn và sẽ hạn chế lựa chọn chính sách trong ngắn hạn”, họ cho biết.