VNReport»Top»Ba khối thương mại lớn nhất thế giới

Ba khối thương mại lớn nhất thế giới

14:47 - 04/11/2021

Những khối thương mại lớn nhất thế giới bao trùm 3 khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu.

Một khối thương mại được thành lập dựa trên hiệp định liên chính phủ, với việc giảm bớt hoặc loại bỏ các rào cản đối với thương mại giữa những nước thành viên. Khối thương mại thúc đẩy mậu dịch tự do trong các khu vực, nhưng bị một số người ủng hộ thương mại tự do phải đối vì cho rằng các khối này không thúc đẩy mậu dịch tự do ở quy mô toàn cầu.

Sau đây là 3 khối thương mại lớn nhất thế giới, bao trùm lần lượt 3 khu vực là châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu.

  1. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương gồm Australia, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. 15 nước thành viên này chiếm khoảng 30% dân số thế giới (2,2 tỷ người) và 30% GDP toàn cầu (26,2 nghìn tỷ USD) tính đến năm 2020, là khối thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử. RCEP bao gồm cả các nước thu nhập cao, trung bình và thấp; và cũng là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, 3 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất Châu Á.

Hiệp ước dự kiến ​​sẽ xóa bỏ khoảng 90% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, và thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và sở hữu trí tuệ.

Một số nhà phân tích dự đoán rằng RCEP sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho những quốc gia ký kết, cũng như “kéo trọng tâm kinh tế trở lại châu Á, với việc Trung Quốc sẵn sàng đi đầu trong việc thiết lập các quy tắc thương mại cho khu vực”. Ngược lại, có những phản ứng trung tính hoặc tiêu cực, cho rằng lợi ích kinh tế từ thỏa thuận thương mại sẽ rất khiêm tốn. RCEP cũng bị chỉ trích vì bỏ qua những vấn đề lao động, nhân quyền và bền vững môi trường.

RECP hình thành tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2011 ở Bali, Indonesia. Các cuộc đàm phán chính thức được khởi động trong Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2012 tại Campuchia. Hiệp ước được ký vào ngày 15/11/2020 tại Hội nghị cấp cao ASEAN trực tuyến do Việt Nam đăng cai. Vào ngày 2/11/2021, yêu cầu phê chuẩn tối thiểu là 6 bên ASEAN và 3 bên ngoài ASEAN được đáp ứng. Sau đó 60 ngày, RECP dự kiến ​​sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2022.

  1. Hiệp định giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada (USMCA)

Hiệp định giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada (USMCA) là hiệp định thương mại tự do giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ. Nó thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực vào năm 1994, và đôi khi được mô tả là “NAFTA 2.0” hoặc “NAFTA mới”, vì chủ yếu duy trì hoặc cập nhật nhiều điều khoản từ hiệp định tiền nhiệm.

USMCA là kết quả của cuộc đàm phán lại giữa 3 nước thành viên NAFTA bắt đầu từ năm 2017, chủ yếu tập trung vào “xuất khẩu ô tô, thuế quan thép và nhôm, và các thị trường sữa, trứng và gia cầm”. Tất cả các bên đã đi đến một thỏa thuận không chính thức vào ngày 30/9/2018, được chính thức hóa vào ngày 1/10 sau đó. Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất USMCA trong Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2018, nơi nó được ký kết bởi ông, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Một phiên bản sửa đổi được ký vào ngày 10/12/2019 và được cả 3 quốc gia phê chuẩn, cuối cùng là Canada vào ngày 13/3/2020. Sau thông báo của cả 3 chính phủ rằng các điều khoản đã sẵn sàng thực hiện trong nước, hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

USMCA hiện đại hóa các điều khoản 25 năm tuổi của NAFTA, cụ thể là đối với sở hữu trí tuệ và thương mại số, tham khảo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ (CPTPP), mà Canada và Mexico ký kết. Những thay đổi chính so với phiên bản tiền nhiệm bao gồm tăng cường các quy định về môi trường và làm việc; ưu đãi lớn hơn cho sản xuất ô tô ở Mỹ (với hạn ngạch cho sản xuất ô tô của Canada và Mexico); tăng khả năng tiếp cận thị trường sữa Canada; và tăng giới hạn miễn thuế đối với người Canada mua hàng hóa trực tuyến của Mỹ.

  1. Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA)

Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) được thành lập thông qua Hiệp định về Khu vực Kinh tế Châu Âu. Đây là hiệp định quốc tế cho phép mở rộng thị trường chung của Liên minh Châu Âu (EU) cho các nước thành viên của Hiệp hội Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA).

EEA liên kết các nước thành viên EU và 3 nước EFTA – Iceland, Liechtenstein và Na Uy – thành một thị trường nội bộ được điều chỉnh bởi các quy tắc cơ bản giống nhau. Những quy tắc này nhằm mục đích cho phép sự di chuyển tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn trong Thị trường chung Châu Âu, bao gồm quyền tự do lựa chọn nơi cư trú ở bất kỳ nước nào trong khu vực này. EEA được thành lập vào ngày 1/1/1994 khi Hiệp định EEA có hiệu lực.

Hiệp ước EEA là một hiệp ước thương mại và khác với bộ Hiệp ước của EU ở một số khía cạnh chính. Theo Điều 1, mục đích của nó là “thúc đẩy tăng cường liên tục và cân bằng các mối quan hệ kinh tế và thương mại”. Các thành viên EFTA không tham gia vào Chính sách Nông nghiệp Chung hay Chính sách Thủy sản Chung.

Khi có hiệu lực vào năm 1994, các bên trong EEA bao gồm 17 nước và 2 Cộng đồng Châu Âu: Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, sau này được đưa vào khuôn khổ rộng hơn của EU và Cộng đồng Than và Thép Châu Âu hiện đã không còn tồn tại. Tính đến năm 2020, số thành viên tăng lên 30 quốc gia: 27 quốc gia thành viên EU, cũng như 3 trong số 4 quốc gia thành viên của EFTA. Hiệp định được áp dụng tạm thời đối với Croatia – nước thành viên gần đây nhất của EU – đang chờ tất cả các bên trong EEA phê chuẩn. Một thành viên EFTA là Thụy Sĩ chưa tham gia EEA nhưng có một loạt những thỏa thuận song phương theo ngành với EU cho phép nước này tham gia vào thị trường nội bộ của EEA.