VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp vận tải gặp khó hậu giãn cách

Doanh nghiệp vận tải gặp khó hậu giãn cách

13:27 - 16/11/2021

Sau một thời gian dài phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức mới khi nền kinh tế mở cửa trở lại. 

Dịch bệnh khiến vận tải hành khách phải dừng hoạt động suốt một thời gian dài, dàn xe phải “đắp chiếu” khiến doanh thu gần như về “mo” trong khi các chi phí trả lương nhân viên, bến bãi, bảo dưỡng phương tiện… vẫn phải đều đặn chi trả. Việc được hoạt động trở lại tưởng chừng mở ra hy vọng cứu cánh cho các doanh nghiệp vận tải khách song trên thực tế điều này không những không giúp nhiều được mà còn mang đến áp lực khác.

Bến xe vắng khách dù hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được phép hoạt động trở lại

Quan sát các bến xe lớn tại Hà Nội những ngày vừa qua có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng vắng vẻ, đìu hiu xuất hiện ở mọi nơi. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, dù vận tải khách liên tỉnh đã được hoạt động trở lại được khoảng một tháng nay nhưng các xe hoạt động tại bến vẫn rất vắng khách. Thống kê sơ bộ, hiện lượng xe vào bến chỉ đạt khoảng 10%, tương đương với 100 phương tiện và 500 khách/ngày. Thậm chí vẫn có nhiều nhà xe dù đăng ký hoạt động song chưa hoạt động lại hoặc hoạt động cầm chừng vì không có khách.

Tương tự, tại Bến xe Nước Ngầm, lãnh đạo bến xe này cho hay, hiện trong sân chỉ có khoảng gần 30 xe khách hoạt động thay vì hơn 200 xe như trước. Dù đã giảm phí bến bãi để hỗ trợ phần nào nhưng những nhà xe hoạt động rất ít khách và đã có nhà xe xin tạm thời bỏ lốt.

Ông Nguyễn Tuyển – Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm này, người dân đi lại đã thuận tiện hơn giữa Hà Nội và hơn 20 tỉnh, thành. Thế nhưng, theo thống kê, từ trong 5 ngày đầu tháng 11, các bến xe có khoảng hơn 1.000 chuyến đi đến Hà Nội, trong đó có hơn 5.000 hành khách. Tính ra trung bình mỗi chuyến xe chỉ có khoảng 5-10 khách.

Với tình trạng vắng khách như hiện nay, ngay cả khi xăng dầu chưa tăng giá, các nhà xe đã phải chịu lỗ bởi giá vé bán ra không thể bù lại chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ như lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, phí đường bộ… Trong khi đó, giá xăng dầu lại tăng phi mã trong thời gian qua như một cú đấm bồi, tác động tiêu cực đối với hoạt động vận tải hành khách đường bộ vốn đã rất lao đao như hiện nay bởi chi phí xăng, dầu luôn chiếm tới 35 – 40% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vận tải.

Kết hợp cả hai yếu tố giá xăng dầu đạt ngưỡng cao kỷ lục trong khi lượng khách ít ỏi không bù lại được chi phí, doanh nghiệp vận tải đang rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Mặc dù được phép chạy lại nhưng với tình hình hiện nay, càng chạy sẽ càng lỗ. Nhưng nếu không chạy doanh nghiệp lại sợ mất lốt, mất khách quen. Bởi thế, chưa bao giờ, doanh nghiệp vận tải đường bộ lại rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm giá xăng dầu sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để cứu thị trường vận tải khách đường bộ vào lúc này. Để giảm được giá xăng dầu, Nhà nước có thể tính tới sử dụng hai công cụ là là Quỹ Bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng hai chính sách này hợp lý sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu. Kết hợp với nhu cầu đi lại dự báo sẽ tăng cao trong dịp cuối năm và Tết, ngành vận tải hành khách đường bộ mới có cơ hội được vực dậy sau thời gian dài đóng băng vì dịch bệnh.