VNReport»Top»Top 6 smartphone Android thất bại

Top 6 smartphone Android thất bại

15:49 - 08/04/2021

Nhiều sản phẩm bị người dùng lãng quên nhanh chóng bởi không phù hợp, thiết kế xấu, cấu hình thấp mà giá cao.

1. HTC First (năm 2013)

Thất bại của HTC First được cho là đến từ màn hình chất lượng kém, phần mềm chậm chạp và máy ảnh độ phân giải thấp. Gần như không ai chấp nhận những điều đó chỉ để có được một chiếc điện thoại hướng tới chia sẻ và nhắn tin trên Facebook. Máy chạy Android với giao diện người dùng Facebook tùy biến với tên gọi Facebook Home.

Khi ra mắt, smartphone hợp tác giữa HTC và Facebook được bán với giá 99,99 USD kèm hợp đồng, nhưng nhanh chóng giảm còn 0,99 USD để “dọn kho”. Facebook từ đó tới nay chưa tạo ra thêm một chiếc smartphone nào nữa.

2. LG G5 (2016)

Với mục tiêu biến G5 thành sản phẩm toàn diện, LG đưa lên smartphone này nhiều tính năng nhất có thể. Máy có vỏ nhôm cao cấp, hai camera ấn tượng, cảm biến vân tay, chuẩn âm thanh DAC Hi-fi, thiết kế Module, màn hình tuyệt đẹp và cấu hình siêu mạnh.

Tuy nhiên, thiết kế module mà LG áp dụng không được chào đón bởi nó khiến sản phẩm có giá bán quá đắt và người dùng không chấp nhận thiết kế này. Sản phẩm có giá 700 USD, cao hơn cả Galaxy S7 của đối thủ Samsung ra mắt cùng thời gian. Kết quả, doanh số bán hàng của G5 thê thảm khiến bộ phận di động của LG lỗ gần 400 triệu USD trong quý 3/2016.

3. Amazon Fire Phone (2014)

Trình làng vào hè 2014, smartphone đầu tiên của Amazon được bán với giá 199 USD kèm hợp đồng, hoặc 649 USD cho bản không khoá mạng. Tuy nhiên, việc Fire Phone chỉ được phân phối thông qua nhà mạng AT&T, cộng với giá thành đắt đỏ khiến người dùng khó tiếp cận với sản phẩm của Amazon.

Fire Phone đặc trưng bởi giao diện 3D, có thể xác định được vị trí của người dùng bằng cách theo dõi cử động của mắt với bốn cameara trước. Nhưng tính năng này không thể dùng được ở bất cứ trò chơi hay ứng dụng nào ngoài màn hình chính.

Máy có cấu hình bình thường, thời lượng pin kém, thiết kế không đẹp mắt, độ hoàn thiện chưa cao, hiệu suất chậm chạp. Trong vòng hai tháng, AT&T đã giảm giá Fire Phone xuống 0,99 USD kèm hợp đồng. Trên trang chủ của Amazon, hãng xóa toàn bộ thông tin về thiết bị này và coi như sản phẩm chưa từng tồn tại.

4. BlackBerry Priv (2015)

BlackBerry Priv là mẫu smartphone vừa mang hơi hướng hiện đại của các dòng cảm ứng, vừa xen lẫn chút cổ điển của bàn phím QWERTY. Priv viết tắt của “Privilege and Privacy”.

Vấn đề là máy tập trung quyền riêng tư vào một ứng dụng cài sẵn có tên Dtec. Ứng dụng này tính toán tình trạng của thiết bị dựa trên độ mạnh của mã khóa, không có tác dụng ngăn dữ liệu bị đánh cắp, mà chỉ giám sát mức độ bảo vệ của thiết bị. Ngoài ra, giá của Priv được đánh giá là quá cao và gặp một số nhược điểm như chạy chậm, camera chụp chưa tốt. Priv giảm giá thê thảm, buộc BlackBerry phải mở rộng bán sản phẩm ở các nhà mạng.

5. HTC Thunderbolt (2011)

 

HTC Thunderbolt là điện thoại hỗ trợ mạng LTE đầu tiên thế giới, được phát hành độc quyền bởi nhà mạng Verizon tại Mỹ. Máy có thông số kỹ thuật tốt nhất đầu năm 2011 và được quảng cáo là “có tốc độ mạng di động nhanh nhất trên thị trường”. Tại thời điểm ra mắt, sản phẩm này đã phá vỡ kỷ lục bán hàng của mọi nhà mạng khác khi Verizon bán được 15 triệu sản phẩm vào cuối năm 2011, và một triệu chiếc trong năm 2012.

Tuy nhiên, hào hứng của người dùng nhanh chóng trở thành giận dữ và thất vọng vì sản phẩm cực kỳ nặng và pin rất yếu. Khi sử dụng, máy thường tự khởi động lại nhiều lần. Nó nhanh cũng nhận được đánh giá kém từ những người sở hữu vì thường xuyên gặp sự cố, mất sóng. Thunderbolt cũng là smartphone đánh dấu vòng xoáy đi xuống kéo dài của HTC.

6. Samsung Galaxy Note 7 (2016)

Galaxy Note 7 là một smartphone tuyệt vời với nhiều trang bị tiên tiến, như công nghệ quét mống mắt, bút S-Pen nhiều cải tiến. Samsung tự tin Note 7 có nhiều lợi thế hơn đối thủ iPhone 7 cho đến khi sản phẩm bắt đầu phát nổ.

Ngày 11/10/2016, hãng này yêu cầu khách hàng đang dùng Galaxy Note 7, kể cả bản cũ và mới, phải ngừng sử dụng và tắt máy ngay lập tức vì vấn đề an toàn. Những rắc rối về pin khiến Samsung phải thu hồi toàn bộ Galaxy Note 7 và đền bù cho khách hàng số tiền khổng lồ. Hãng cũng tuyên bố khai tử luôn sản phẩm.