VNReport»Kinh tế»Tài chính»Omicron “phá” chuỗi cung ứng, gây lạm phát

Omicron “phá” chuỗi cung ứng, gây lạm phát

09:43 - 02/12/2021

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tăng dự báo lạm phát của các nước thành viên, đồng thời cảnh báo biến thể mới có thể trì hoãn đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Biến thể Omicron có nguy cơ làm gia tăng các vấn đề về nguồn cung và giá cả, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết hôm thứ Tư, đồng thời tăng mạnh dự báo lạm phát so với 3 tháng trước.

Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Paris, gồm đa số các nước giàu, cảnh báo rằng biến thể mới được xác định vào tuần trước có thể trì hoãn nền kinh tế thế giới trở lại bình thường. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nên “thận trọng”, OECD nói thêm.

Tổ chức này đưa ra những khuyến nghị trên cùng với dự báo kinh tế, trong đó dự báo tăng trưởng toàn cầu tương tự như 3 tháng trước nhưng dự báo lạm phát tăng đáng kể. Trong nhóm G20, OECD nâng dự báo lạm phát cho năm 2022 từ 3,9% hồi tháng 9 lên 4,4% hiện nay. Mức tăng lớn nhất là ở Mỹ và Anh, nơi dự báo lạm phát cho năm tới tăng ở cả 2 nước từ 3,1% lên 4,4%.

OECD nâng dự báo lạm phát năm 2022 cho nhóm G20 lên 4,4%, so với dự báo 3,9% hồi tháng 9.

OECD nâng dự báo lạm phát năm 2022 cho nhóm G20 lên 4,4%, so với dự báo 3,9% hồi tháng 9.

Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, nói rằng biến thể Omicron đang “làm tăng thêm mức độ không chắc chắn vốn đã cao và đó có thể là mối đe dọa đối với khả năng phục hồi, trì hoãn sự trở lại bình thường hoặc điều gì đó thậm chí còn tồi tệ hơn”.

Lập trường của bà giống với Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hoặc bình luận gần đây của Ngân hàng Trung ương Anh. Họ nói rằng các ngân hàng trung ương này đang thận trọng và áp lực lạm phát dai dẳng hơn ở Mỹ và Anh khiến quan điểm về chính sách tiền tệ cần thắt chặt hơn một chút.

“Không có một chính sách [tiền tệ] chung cho tất cả vì tình huống rất khác ở một số nền kinh tế thị trường mới nổi với tỷ lệ lạm phát cao. Mỹ cũng khác với châu Âu và cũng khác với châu Á, nơi vấn đề lạm phát ít hơn nhiều”, Boone nói.

Bà nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách cần phải thể hiện rõ ràng rằng họ sẽ không tăng lãi suất do thiếu hụt nguồn cung, nhưng sẵn sàng hành động nếu áp lực giá lan rộng và tạo thành vòng xoáy lạm phát.

OECD lưu ý rằng sự phục hồi toàn cầu mạnh hơn nhiều so với dự kiến ​​ban đầu vào năm 2021, nhưng cho biết điều này hiện đã tạo ra một loạt các vấn đề mất cân bằng có thể tồn tại lâu hơn dự kiến. “Sự thiếu hụt nguồn cung có nguy cơ làm chậm tăng trưởng và kéo dài lạm phát cao”, Boone nói.

Riêng trong lĩnh vực ô tô, OECD tính toán rằng sự gián đoạn nguồn cung đã ảnh hưởng đến hơn 1,5% quy mô của nền kinh tế Đức trong năm nay và hơn 0,5% ở Mexico, Cộng hòa Séc và Nhật Bản.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại từ 5,5% trong năm nay xuống 4,5% vào năm 2022, tiếp theo là tăng 3,2% vào năm 2023. Lạm phát ở các nước G20 có khả năng giảm xuống 3,8% vào năm 2023 sau khi chạm mức 4,4% vào năm tới. Tuy nhiên, OECD dự báo lạm phát sẽ dưới 2% ở khu vực đồng euro vào năm 2023, so với 2,4% ở Anh và 2,5% ở Mỹ.