VNReport»Kinh tế»Đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam tăng mạnh trong năm 2021

Đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam tăng mạnh trong năm 2021

13:56 - 06/12/2021

Năm 2021, đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã đạt con số kỷ lục hơn 1,35 tỷ USD.

Do khó khăn chung bởi dịch bệnh Covid-19 nên tại Việt Nam các dự án khởi nghiệp giảm và số dự án kêu gọi được vốn đầu tư từ các quỹ mạo hiểm cũng sụt giảm theo. Ngoài ra, các startup Việt còn gặp thêm những khó khăn, thử thách vốn có như: Thiếu nguồn vốn, thiếu nguồn nhận lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong khi đó việc đào tạo còn chưa sát thực tế yêu cầu. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn nhiều mới mẻ, chưa phù hợp thực tế và xu hướng phát triển hội nhập.

Mặc dù bức tranh về startup Việt thời gian qua đã cho thấy sự ngưng trệ, khó khăn, gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí cả phá sản… song bên cạnh đó, bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam vẫn có những điểm sáng ấn tượng. Theo đánh giá của Start-up Blink năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới. Tính riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đang nằm trong Top 20-25 hệ sinh thái hàng đầu. Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm 2021.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho biết, đến nay Việt Nam đã có khoảng 3.800 startups, với 2 kỳ lân (VNG, VNPay) và có 11 startups được định giá trên 100 triệu USD (Momo, Tii, Topica Edtech…). Đặc biệt, trong năm 2021 đã đạt con số kỷ lục hơn 1 tỷ USD đầu tư mạo hiểm cho hệ sinh thái. Hiện nay, có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam và hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo…

Về mức tăng trưởng cho đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam, trong năm 2016 đạt khoảng hơn 200 triệu USD, năm 2018 đạt 889 triệu USD và có sự biến động giảm trong năm 2020 so với năm trước do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, sang năm 2021 đầu tư khởi nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD. Trong đó có nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút đầu tư như công nghê tài chính – Fintech, game, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử… Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia).

Đến nay có hơn 30 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước tham gia hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đầu tư tài chính cho startup, trở thành khách hàng và đối tác của startup cũng như chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn, kết nối mở rộng thị trường, dẫn dắt và tạo động lực cho hoạt động khởi nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng được đánh giá đã từng bước được hình thành và phát triển. Trong đó, một số cá nhân/tổ chức đã đứng ra tập hợp và hình thành mạng lưới kết nối nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, các mạng lưới này vẫn đang gặp một số hạn chế, thiếu chia sẻ thông tin công khai dẫn đến trùng lặp hoạt động, thiếu đại diện tham gia vào các mạng lưới kết nối quốc tế…

Các chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 vẫn là “phép thử” lớn đối với các doanh nghiệp, không chỉ riêng các start up, song trong một thế giới mở, liên kết đa chiều và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia cần sự kết nối với khu vực và toàn cầu. Để hình thành một lực lượng startup thực sự mạnh, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu Việt với chất lượng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn ra thị trường khu vực, thậm chí toàn cầu, chính sách cho khởi nghiệp cần có lộ trình chiến lược kết hợp các giải pháp chính sách ngắn hạn và dài hạn, tập trung cho các startup có tiềm năng tăng trưởng ở một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.

Xuất phát từ thực tế này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số trọng tâm hoạt động trong triển khai Đề án 844 tại Quyết định số 188. Cụ thể cần hình thành một Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia với chức năng cầu nối thu hút sự tham gia của các chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo trong nước.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, những đóng góp của các vị chủ tịch hội trí thức, chuyên gia kiều bào sẽ là nguồn thông tin quý báu, đặt nền móng cho việc hoàn thiện cơ chế hoạt động của Mạng lưới, từ đó hướng Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam vươn tầm thế giới.

Bên cạnh đó, với những gì mà startup Việt đã thể hiện và đạt được thời gian qua, các nhà đầu tư đang có nhiều kỳ vọng và tin tưởng vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chính vì vậy, nếu biết nắm bắt tốt cơ hội các startup Việt hoàn toàn có thể vươn lên trở thành “kỳ lân” trong tương lai và Việt Nam được kỳ vọng sẽ là thị trường đầu tư lớn trong khu vực, trên thế giới.