VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp công nghệ vẫn sống khỏe trong đại dịch

Doanh nghiệp công nghệ vẫn sống khỏe trong đại dịch

15:34 - 09/12/2021

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn là mối đe doạ với phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp công nghệ trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam.

Chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, năm 2021, GDP Việt Nam dự kiến chỉ đạt 2% – con số rất thấp so với mức 7% khi chưa có dịch. Hoạt động thương mại, dịch vụ chịu tác động nặng nề tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn với số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng gần 20% so với năm 2020.

Mặc dù nền kinh tế đã mở cửa trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần được khôi phục song Covid-19 vẫn là mối đe doạ với phục hồi kinh tế với sự xuất hiện của biến chủng Omicron đáng lo ngại. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp công nghệ trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế.

Doanh nghiệp công nghệ tăng trưởng tốt trong đại dịch

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long cho biết, trong bối cảnh đại dịch, số lượng doanh nghiệp số thành lập mới của Việt Nam đã tăng hơn 5.600, xuất phát từ nhu cầu “làm việc online, bán hàng online, giải quyết các vấn đề online”. Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ TT&TT cũng nhận định, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt được những bước phát triển rất ấn tượng.

Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương 2,9%. Trong khi đó, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 9%, gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP. Cũng trong năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ số, khoảng 5% tương ứng 60.000 lao động. Đây là tín hiệu tích cực khi giải quyết bài toán chuyển dịch lao động trong quá trình chuyển đổi số.

Theo dự báo, các lĩnh vực như việc làm trực tuyến, giáo dục trực tuyến, chăm sóc sức khoẻ từ xa, mua sắm trực tuyến, các sự kiện, hội chợ triển lãm… sẽ thay đổi sau đại dịch Covid-19. Do vậy, doanh nghiệp ngành công nghệ được kỳ vọng hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi này tại Việt Nam.

Theo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mục tiêu tới năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, nền kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực phải đạt tối thiểu 20%. Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu vào năm 2025 và 55 nước đứng đầu vào năm 2030; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.

Điều này vừa là thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, lại vừa tạo ra cơ hội rõ ràng cho tiến trình phát triển bền vững của các công ty công nghệ đi tiên phong trong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm chuyển đổi số. Từ đó, đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động phải thích nghi, nắm bắt cơ hội để phù hợp với xã hội số và nền kinh tế số.