VNReport»Top»6 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính quốc tế năm 2021

6 sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính quốc tế năm 2021

11:51 - 05/01/2022

Tiền mã hóa, Trung Quốc siết chặt quy định với các doanh nghiệp giáo dục và công nghệ, sự trỗi dậy của Tesla … là những sự kiện nổi bật trên thị trường tài chính quốc tế năm 2021.

  1. Tiền mã hóa tăng vọt, sụp đổ và lại tăng vọt

Trong những tháng đầu năm 2021, Bitcoin liên tiếp lập những kỷ lục mới, đạt đỉnh gần 65.000 USD, cùng thời điểm với đợt niêm yết cổ phiếu của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ – Coinbase. Nhưng tình hình thay đổi vào tháng 5, khi Trung Quốc siết chặt quy định về giao dịch và khai thác tiền mã hóa, khiến giá Bitcoin sụt thê thảm.

Vào ngày 19/5, giá Bitcoin xuống thấp đến 30.000 USD trong sự hỗn loạn xung quanh cảnh báo của nhà chức trách Trung Quốc, cùng với đó là chỉ trích về tác động môi trường của việc khai thác Bitcoin từ ông chủ Tesla và người ủng hộ tiền mã hóa Elon Musk. Đợt bán tháo khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ mất hàng tỷ USD và thể hiện một điểm yếu cơ bản của thị trường tiền mã hóa: một số nền tảng giao dịch lớn nhất bị trục trặc khi nhà đầu tư đồng loạt “bán bằng mọi giá”.

Tuy nhiên, có vẻ như người ta không thể kìm hãm Bitcoin quá lâu. Giá quay trở lại xu hướng đi lên vào cuối tháng 9 khi các nhà đầu tư bắt đầu tính đến đợt ra mắt quỹ dựa vào hợp đồng tương lai Bitcoin ở Mỹ. Vào đầu tháng 11, đợt ra mắt này đẩy Bitcoin lên mức giá kỷ lục mới.

Vào đầu tháng 12, giá lại đi xuống, lần này là do thị trường truyền thống chao đảo. Điều này thể hiện mối liên hệ ngày càng gần gũi giữa thị trường chứng khoán và tiền mã hóa, do ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức đổ tiền vào tài sản số.

  1. Trung Quốc dạy cho nhà đầu tư một bài học

Ngành giáo dục của Trung Quốc rất được ưa thích ở Phố Wall. Các công ty như New Oriental và TAL Education đã đạt được định giá hàng tỷ USD sau khi niêm yết cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Mỹ. Vì vậy, khi Bắc Kinh siết chặt quy định với ngành giáo dục vì lợi nhuận của nước này vào tháng 7/2021, tác động ngắn hạn trên thị trường rất khủng khiếp. Ví dụ, Gaotu Techedu từng có định giá 12 tỷ USD vào cuối năm 2020, nay đã giảm xuống còn 650 triệu USD.

Nhưng thiệt hại đó không là bao so với khoản lỗ mà nhà đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc phải hứng chịu trong năm nay, khi Bắc Kinh siết chặt quy định với ngành này như một phần trong nỗ lực thúc đẩy “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong đó, Alibaba giảm mạnh nhất – hơn 70% từ mức đỉnh, còn Tencent cũng mất hơn 50% giá trị. Cổ phiếu của công ty gọi xe công nghệ Didi còn bị buộc phải hủy niêm yết ở Mỹ.

Việc thắt chặt quy định của Bắc Kinh đặt ra dấu hỏi rằng liệu nước này có thể thay đổi mô hình kinh tế mà không gây thiệt hại cho tăng trưởng hay không, đặc biệt là khi lĩnh vực bất động sản làm tình hình phức tạp. Evergrande, công ty bất động sản hàng đầu của nước này, chìm đắm trong khủng hoảng tài chính và chính thức vỡ nợ vào đầu tháng 12.

  1. Tesla và Elon Musk thắng lớn

Định giá cổ phiếu của Tesla – hãng ô tô điện do Elon Musk điều hành – luôn là vấn đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng giá trị của công ty quá cao so với kết quả kinh doanh, trong khi một số người khác tin tưởng Tesla sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh trong rất nhiều năm tới. Vào tháng 10/2021, Tesla trở thành hãng ô tô đầu tiên đạt vốn hóa thị trường trên 1 nghìn tỷ USD, giúp Musk đạt giá trị tài sản hơn 300 tỷ USD.

Chỉ trong tháng 10, Tesla đã tăng giá trị thêm 446 tỷ USD. Nhưng cách cổ phiếu Tesla tăng cũng đáng chú ý không kém. Cổ phiếu này rất phổ biến với các nhà giao dịch quyền chọn – đặc biệt là quyền chọn mua, cho phép nhà đầu tư đặt cược rằng cổ phiếu sẽ tăng giá. Vào mùa thu năm 2021, giá trị danh nghĩa các quyền chọn cổ phiếu Tesla tăng lên đến 241 tỷ USD/ngày, cao hơn so với quyền chọn của tất cả các cổ phiếu khác trong chỉ số S&P 500 cộng lại.

Cổ phiếu này cũng là lựa chọn ưa thích của các nhà bán khống – những người đặt cược giá sẽ giảm – trong những năm gần đây. Nhưng năm nay, nhiều quỹ đầu cơ cuối cùng cũng phải chấp nhận từ bỏ chiến lược này. Số vị thế bán khống của Tesla giữa tháng 11 đã giảm xuống còn khoảng 3% tổng số cổ phiếu tự do của công ty, từ mức gần 20% hồi đầu năm 2020.

  1. GameStop và cổ phiếu meme

Vào tháng 1, thị trường chứng khoán Mỹ sửng sốt với khối lượng giao dịch khổng lồ và giá cổ phiếu tăng vọt của các công ty đã niêm yết nhiều năm và không mấy nổi bật như nhà bán lẻ máy chơi game GameStop và chuỗi rạp chiếu phim AMC.

Làn sóng đầu tư này bắt nguồn từ một cuộc thảo luận vài tháng trước đó trên trang mạng xã hội Reddit về giá trị chưa được khai thác của GameStop. Với sự cổ vũ của các meme trên mạng xã hội, nhà đầu tư nhỏ lẻ ồ ạt đổ vào thị trường. Sức mua lớn đến mức một số nhà môi giới phải hạn chế giao dịch. Robinhood, một nền tảng giao dịch phổ biến với nhà đầu tư nhỏ lẻ, phải cần các cổ đông bơm tiền để đáp ứng nhu cầu giao dịch.

Các nhà môi giới, quỹ đầu cơ và cơ quan quản lý nhận được bài học vỡ lòng về sức mạnh của nhà đầu tư nhỏ lẻ khi họ đoàn kết lại. Quốc hội Mỹ thậm chí còn mời một số nhân vật liên quan đến Washington để giải thích về sự kiện kỳ lạ này.

  1. Khủng hoảng khí tự nhiên

Khí tự nhiên thay thế dầu thô trở thành mặt hàng quan trọng nhất của thế giới trong tháng 10 khi giá tăng lên mức chưa từng có và các nước tranh giành nguồn cung khan hiếm.

Cuộc khủng hoảng đặc biệt gay gắt ở châu Âu, nơi ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn khí nhập khẩu. Hợp đồng tương lai khí đốt bán buôn của khu vực đạt mức đỉnh hồi đầu tháng 10, tăng hơn 75%. Tại châu Á, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay có thời điểm vượt qua mức tương đương hơn 320 USD/thùng dầu vào tháng 10, thời điểm mà dầu thô Brent có giá 80 USD/thùng.

Một số yếu tố đóng góp vào đà tăng này, bao gồm nhu cầu gia tăng khi các hạn chế về Covid-19 giảm bớt, sự gián đoạn nguồn cung trên thị trường khí hóa lỏng và sự thiếu hụt năng lượng tái tạo do thời tiết. Ở châu Âu, điều này càng trầm trọng hơn do khối lượng xuất khẩu giảm của Gazprom, nhà cung cấp khí đốt độc quyền của Nga.

Với sự chậm trễ của đường ống Nord Stream 2 từ Nga đến Đức, các nhà phân tích cho rằng thị trường khí đốt châu Âu chỉ cần thêm một đợt lạnh hoặc một sự gián đoạn nguồn cung để tăng vọt hơn nữa.

  1. Quỹ Archegos sụp đổ

Quỹ Archegos của Bill Hwang là một “văn phòng gia đình” – chuyên quản lý tài sản cho các gia đình giàu có để lại cho con cháu và các quỹ từ thiện. Các quỹ như vậy thường được cho là có mức độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, vào tháng 3/2021, một số ngân hàng nhận được lời nhắc nhở rằng các quỹ này cũng có thể rủi ro hơn cả các quỹ đầu cơ, khi Archegos sụp đổ đột ngột.

Hwang tạo ra lượng đòn bẩy khổng lồ với một loạt ngân hàng để đánh cược vào một số ít cổ phiếu. Mặc dù bị cấm tham gia thị trường Mỹ năm 2013 do cáo buộc có liên quan đến một vụ giao dịch nội gián, các ngân hàng vẫn hỗ trợ Hwang.

Khi một trong những ván cược của Hwang là ViacomCBS thua lỗ, hậu quả dây chuyền khiến các ngân hàng bao gồm Credit Suisse và Nomura mất hàng tỷ USD. May mắn là, thiệt hại chỉ giới hạn ở các ngân hàng chứ không lan sang các thị trường tài chính.