VNReport»Kinh tế»Tài chính»Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ

Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ

09:32 - 28/01/2022

Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 5,5% trong năm 2021 – mức cao nhất kể từ 1984, sau khi giảm 2,3% trong năm trước đó.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh chóng trong quý cuối năm ngoái, với tốc độ 6,9% so với cùng kỳ 2020, kết thúc năm tăng trưởng mạnh nhất trong gần 4 thập kỷ khi nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, tăng trưởng gần đây gặp phải những trở ngại, có thể kìm hãm đà tăng trong năm nay.

Tăng trưởng GDP trong quý IV cao gấp 3 lần mức tăng trưởng 2,3% của quý III, Bộ Thương mại Mỹ cho biết hôm thứ Năm. Mức tăng này phản ánh chi tiêu ổn định của hộ gia đình, phần lớn diễn ra vào đầu quý, và việc các công ty tăng cường bổ sung các kệ hàng để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung liên tục.

Tăng trưởng GDP Mỹ hàng quý so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ, FT.

Tăng trưởng GDP Mỹ hàng quý so với cùng kỳ năm trước. Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ, FT.

Sản lượng kinh tế tăng 5,5% trong cả năm 2021 – mức cao nhất kể từ năm 1984, khi Mỹ hồi phục từ một cuộc suy thoái kép và thời kỳ lạm phát cao. GDP đã giảm 2,3% trong năm 2020, mức giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng nhà ở và suy thoái tài chính năm 2008.

Beth Ann Bovino, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại S&P Global Ratings, nhận xét: “Mỹ đã học cách thích nghi với thế giới mới của các biến thể và tiếp tục sản xuất”.

Báo cáo hôm thứ Năm cũng có các dấu hiệu cảnh báo. Phần lớn sự tăng trưởng là do các công ty tăng cường dự trữ hàng hơn là là do người dân và doanh nghiệp mua hàng. Đầu tư hàng tồn kho gia tăng phần nào phản ánh sự phục hồi từ mức tồn kho cực thấp trong mùa hè, mặc dù lượng hàng tồn kho vẫn ở mức thấp vì tình trạng thiếu hàng dai dẳng. Loại trừ ảnh hưởng của hàng tồn kho, sản lượng tăng với tốc độ khiêm tốn theo năm là 1,9% trong quý IV.

Theo dữ liệu khác của Bộ Thương mại về doanh số bán lẻ, người Mỹ giảm mua sắm vào cuối quý, khi biến thể Omicron của Covid-19 gây ra một làn sóng lây nhiễm mới và lạm phát cao đánh vào thu nhập của họ. Một báo cáo riêng của Bộ Thương mại hôm thứ Năm cho thấy doanh số bán hàng hóa lâu bền – những mặt hàng có tuổi thọ cao như ô tô hay tủ lạnh – giảm trong tháng 12.

“Con số 6,9% có lẽ là một đánh giá hơi lạc quan quá mức về sức mạnh tiềm ẩn của nhu cầu”, Andrew Hunter, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng ngày càng có nhiều khả năng nền kinh tế về cơ bản đang ở hoặc nhanh chóng tiếp cận mức tiềm năng, bị giới hạn bởi công suất … Giới hạn tốc độ hiện thấp hơn so với trước đại dịch”.

Người Mỹ giảm mua sắm vào cuối quý IV/2021.

Người Mỹ giảm mua sắm vào cuối quý IV/2021.

Trong năm ngoái, có 2 yếu tố giúp thúc đẩy sự mở rộng của nền kinh tế: khoản tiền mặt từ Quốc hội gửi đến các hộ gia đình và chi phí vay siêu thấp do chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Những yếu tố này đang mờ nhạt dần. Các hộ gia đình đã tiêu hầu hết số tiền hỗ trợ và trong tuần này, Fed khẳng định lại ý định tăng lãi suất, sớm nhất là vào tháng 3. Động thái này của Fed nhằm chống lại sự gia tăng mạnh của lạm phát., vốn đã làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng và vượt qua cả tốc độ tăng lương của người lao động.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed – chỉ số giá cho chi tiêu tiêu dùng cá nhân – tăng với tốc độ theo năm là 6,5% trong quý IV, nhanh hơn so với tốc độ tăng 5,3% của quý III và tăng hơn gấp 3 lần so với giai đoạn ngay trước đại dịch.

Công ty dự báo IHS Markit dự đoán rằng GDP sẽ tăng trưởng với tốc độ 2% so với cùng kỳ trong quý đầu năm 2022. Đó sẽ là quý tăng trưởng yếu nhất kể từ khi đợt phục hồi bắt đầu vào giữa năm 2020. Công ty đưa ra cái nhìn sớm về tăng trưởng kinh tế trong tuần này khi báo cáo rằng chỉ số dịch vụ và hoạt động sản xuất của Mỹ – bao gồm hầu hết các hoạt động kinh tế – đã chậm lại đáng kể.