VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp Trung Quốc tìm đường trở lại sàn chứng khoán Mỹ

Doanh nghiệp Trung Quốc tìm đường trở lại sàn chứng khoán Mỹ

09:14 - 07/02/2022

Nhà chức trách ở cả hai nước đang thiết lập những hạn chế nghiêm ngặt cho việc niêm yết của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ.

Một số công ty đang tìm đường trở thành những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại Mỹ kể từ tháng 7 năm ngoái. Theo đó, vào tháng 1 vừa qua, 6 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong đã nộp các tài liệu mới hoặc cập nhật lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn giao dịch Nasdaq. Tuần trước, Meihua International Medical Technologies, nhà sản xuất thiết bị y tế dùng một lần, đặt mức giá chào bán mục tiêu sau khi nộp hồ sơ lần đầu gần 6 tháng trước.

Các doanh nghiệp Trung Quốc là nguồn thu quan trọng của các sàn chứng khoán Mỹ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc là nguồn thu quan trọng của các sàn chứng khoán Mỹ.

Mặc dù mỗi thương vụ dự kiến ​​có quy mô nhỏ, các luật sư, quan chức sàn và chuyên gia Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ những thương vụ này để tìm dấu hiệu cho thấy vẫn có tương lai cho việc niêm yết của các doanh nghiệp Trung Quốc.

“Họ chắc chắn không phải là Alibaba, nhưng dù sao… điều này sẽ gửi một thông điệp rộng hơn”, Arthur Dong, giáo sư tại Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown và chuyên gia về quan hệ kinh doanh Trung-Mỹ, cho biết. “Nếu chúng được thông qua, điều đó cho thấy vẫn còn những dấu hiệu của sự sống và thị trường cho các công ty Trung Quốc niêm yết chưa chết hẳn”.

Những nỗ lực thể hiện mong muốn của các công ty trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư khổng lồ của Mỹ, nhưng họ không chắc thành công. “Không có gì đảm bảo, ngay cả khi bạn đã gửi báo cáo, rằng bạn sẽ có thể tiến hành chào bán. SEC vẫn có nhiều quyền quyết định về quy trình”, một cựu quan chức SEC cảnh báo.

Vào mùa hè năm ngoái, chủ tịch SEC Gary Gensler chặn nhân viên phê duyệt việc niêm yết mới từ Trung Quốc cho đến khi các công ty tiết lộ rủi ro cụ thể hơn. Vào tháng 12, cơ quan này công bố một danh sách chi tiết về các yêu cầu dành cho các doanh nghiệp.

Họ cũng đang bắt đầu triển khai một luật từ thời Trump buộc các công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết nếu các doanh nghiệp này từ chối cấp cho cơ quan quản lý kiểm toán quyền tiếp cận vào các tài khoản đã kiểm toán của mình.

“Những [IPO] này là một trường hợp thử nghiệm xem bạn có sẵn sàng cung cấp thông tin bổ sung này, liệu SEC có thực sự cho phép họ niêm yết hay không”, cựu quan chức nói thêm.

Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc cũng thắt chặt quy định đối với những công ty muốn huy động tiền mặt ở nước ngoài như một phần của chiến dịch đàn áp chung đối với lĩnh vực công nghệ của nước này. Khi tập đoàn gọi xe Didi Chuxing phớt lờ cảnh báo không được niêm yết ở Mỹ vào năm ngoái, chính phủ đã nhanh chóng cấm họ khỏi các cửa hàng ứng dụng trong nước và ngăn họ đăng ký người dùng mới. Cuối cùng, vào tháng 12, công ty thông báo rằng họ sẽ bắt đầu kế hoạch chuyển niêm yết sang Hong Kong.

Trong bản cáo bạch của mình, tất cả các công ty hiện đang cố niêm yết tại Mỹ tin rằng họ không phải tuân theo các hạn chế mới vì họ không xử lý khối lượng lớn dữ liệu khách hàng.

“Tôi không ngạc nhiên chút nào khi 3 công ty đang chờ [niêm yết] đều là những doanh nghiệp thuộc “nền kinh tế cũ” … không liên quan đến các lĩnh vực Internet, truyền thông và viễn thông”, Dong nói.

Trung Quốc là nguồn niêm yết nước ngoài lớn nhất ở Mỹ trong thập kỷ qua, trở thành nguồn thu quan trọng của các sàn Nasdaq và NYSE. 2 sàn này săn lùng những ứng cử viên IPO thay thế ở các nước như Ấn Độ và Singapore để giúp lấp đầy khoảng trống, đồng thời tiếp tục vận động hành lang để được cho phép tiếp tục niêm yết doanh nghiệp từ Trung Quốc.