VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá vàng trong nước tăng cao kỷ lục

Giá vàng trong nước tăng cao kỷ lục

10:44 - 07/02/2022

Giá vàng miếng SJC lần đầu vượt mức 63 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, tăng mạnh 650.000 đồng so với trước kỳ nghỉ Tết.

Thị trường vàng trong nước chính thức giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm âm lịch mới, giá vàng miếng đã ghi nhận biến động mạnh với việc các doanh nghiệp trong nước đồng loạt chào bán mặt hàng này ở mức giá trên 63 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 62,45 – 63,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 650.000 đồng so với trước kỳ nghì Tết. Đây là mức tăng cao nhất mà vàng miếng SJC ghi nhận được trong một phiên giao dịch kể từ tháng 10/2021, và cũng là lần đầu tiên giá vượt ngưỡng 63 triệu đồng/lượng.

Đà tăng này cũng nối dài chuỗi phiên giao dịch ấn tượng của vàng miếng SJC trong tuần giao dịch trước Tết. So với giữa tháng 1, giá vàng miếng SJC hiện cao hơn gần 1,5 triệu đồng.

Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn SJC 99,99% sáng nay cũng ghi nhận xu hướng tăng mạnh, hiện chiều mua vào là 53,7 triệu đồng/lượng và bán ra là 54,5 triệu đồng, tăng tương ứng 850.000 đồng chiều mua vào và 950.000 đồng chiều bán ra so với trước Tết. Đây cũng là mức giá cao nhất từ ​​trước đến nay của vàng nhẫn SJC 99,99%.

Trong khi đó, Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) sáng nay cũng đưa ra giá bán vàng miếng hơn 63 triệu đồng. Lúc 9h15, giá vàng miếng được PNJ niêm yết giao dịch ở mức 62,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 63,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với trước Tết, giá mua của PNJ tăng 400.000 đồng, giá bán tăng 700.000 đồng. Tương tự với vàng SJC, đây cũng là mức giá được PNJ niêm yết đối với vàng miếng cao nhất từ ​​trước đến nay. So với giữa tháng 1, giá vàng miếng tại PNJ đã tăng 1,6 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn do PNJ chế tác ghi nhận tăng 900.000 đồng chiều mua vào và 800.000 đồng chiều bán ra, hiện phổ biến ở mức 53,7 – 54,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI hiện chấp nhận mua vàng miếng ở mức 62,2 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng so với trước Tết. Ở chiều bán ra, doanh nghiệp này tăng 650.000 đồng, hiện phổ biến ở mức 63,15 triệu đồng/lượng.

Cũng trong sáng nay, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Mi Hồng đều giao dịch quanh mức 62,3 – 63,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Tuy không thay đổi nhiều so với phiên liền trước nhưng so với trước Tết, giá tại các doanh nghiệp này đã tăng 600.000-700.000 đồng mỗi lượng.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại TP HCM, giá vàng nhẫn sáng nay tăng mạnh do tác động của 2 yếu tố: giá vàng thế giới tăng tích cực và nhu cầu mua vào tăng mạnh do sắp đến ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch).

Theo đó, giá vàng thế giới hiện giao dịch quanh mức 1.810 USD/ounce, cao hơn so với cuối tuần trước.

Với vàng miếng, giá tăng mạnh sáng nay chủ yếu do các doanh nghiệp khan hiếm nguồn cung, trong khi nhu cầu mua vào tăng mạnh. Do vàng miếng SJC là sản phẩm độc quyền của Nhà nước nên các doanh nghiệp không tự chủ được nguồn cung. Theo đó, họ phải mua vào được thì mới có thể bán ra được.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, trước Tết, các doanh nghiệp đã tăng mạnh giá vàng miếng với mục đích chuẩn bị hàng cho ngày vía Thần Tài. Tuy nhiên, lượng mua được trên thị trường không nhiều, dẫn đến tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC như hiện nay.

Ông cho rằng thay vì vàng miếng, người dân nên mua vàng nhẫn do doanh nghiệp tự chế tác. Nguyên nhân do đây là mặt hàng vàng mà doanh nghiệp chủ động nguồn cung nên giá không bị đẩy lên quá cao. Ngoài ra, so với vàng miếng, vàng nhẫn cũng diễn biến sát hơn so với giá thế giới, người mua không bị chênh lệch quá nhiều từ giá mua – bán do các doanh nghiệp đưa ra.