VNReport»Top»10 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới

10 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới

15:32 - 23/02/2022

4 trong số 5 mạng xã hội phổ biến nhất thế giới thuộc về Meta – công ty mẹ của Facebook.

  1. Facebook (2,74 tỷ người dùng)

Mặc dù lần đầu tiên ghi nhận số người dùng giảm trong quý IV/2021, nhưng Facebook vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với 2,74 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, tính đến cuối năm ngoái.

Được sáng lập từ năm 2004, Facebook phát triển với tốc độ chóng mặt, đạt 1 triệu người dùng sau 10 tháng và 1 tỷ người dùng chỉ sau 8 năm. Trang web của Facebook ghi nhận 25,5 tỷ lượt truy cập mỗi tháng, chỉ xếp sau Google và Youtube.

Ấn Độ là nước có nhiều người dùng Facebook nhất (290 triệu), xếp thứ 2 là Mỹ (190 triệu) và Indonesia (140 triệu).

  1. YouTube (2,29 tỷ người dùng)

Con số 2,29 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng không phản ánh đầy đủ mức độ phổ biến của Youtube, vì kể cả những người không đăng ký cũng có thể thưởng thức những nội dung của nền tảng chia sẻ video phổ biến nhất thế giới.

Youtube được sáng lập vào năm 2005, và nhanh chóng trở nên phổ biến, dẫn đến việc nền tảng này được Google mua lại năm 2006 với giá 1,65 tỷ USD. Đây là một thương vụ vô cùng thành công của gã khổng lồ công nghệ này, vì riêng trong năm 2021, doanh thu từ quảng cáo mà Google thu được từ Youtube lên đến 28,8 tỷ USD.

  1. WhatsApp (2 tỷ người dùng)

Được sáng lập vào năm 2009 bởi 2 cựu nhân viên của Yahoo!, Whatsapp ban đầu được hình dung là ứng dụng nhắn tin “hiển thị trạng thái bên cạnh tên riêng” của từng người. Sau đó, ứng dụng dần được phát triển thành một nền tảng nhắn tin tức thời.

Thay đổi trên giúp Whatsapp thống trị thị trường ứng dụng nhắn tin và được Facebook mua lại vào năm 2014 với giá 19,3 tỷ USD. Tính đến năm 2020, nền tảng này cho biết đã có hơn 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới, giữ vững vị trí là nền tảng nhắn tin số một từ năm 2015 đến nay.

  1. Instagram (2 tỷ người dùng)

Theo truyền thông quốc tế, một số nhân viên giấu tên của Instagram cho biết nền tảng này đã đạt 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng tính đến cuối năm 2021, mặc dù dữ liệu chính thức không được công bố.

Được sáng lập vào năm 2009 bởi một cựu nhân viên Google, nền tảng chia sẻ ảnh lớn nhất thế giới mất 9 năm để đạt mốc 1 tỷ người dùng, và 3 năm nữa để nhân đôi con số đó. Tháng 4/2012, khi Instagram được Facebook mua lại với giá khoảng 1 tỷ USD, mạng xã hội này mới có khoảng 35 triệu người dùng.

  1. Facebook Messenger (1,3 tỷ người dùng)

Facebook thể hiện sự thống trị của mình trong lĩnh vực mạng xã hội khi mà một dịch vụ bên trong nền tảng chính của họ cũng có đến 1,3 tỷ người dùng.

Từ “Facebook Chat” – tính năng nhắn tin bên trong ứng dụng Facebook được giới thiệu vào năm 2008 – Messenger được phát triển thành một ứng dụng nhắn tin riêng biệt và phát hành vào năm 2011 trên các nền tảng iOS và Android.

Khác với WhatsApp, Facebook Messenger có các tính năng hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp tốt hơn, ví dụ như chatbot tự động trả lời khách hàng và giới thiệu sản phẩm hay quảng cáo trong hộp thư của người dùng.

  1. WeChat (1,25 tỷ người dùng)

WeChat là ứng dụng đa chức năng, tích hợp nhắn tin tức thì, thanh toán trực tuyến, chơi trò chơi … thuộc sở hữu của tập đoàn Tencent. Đây là nền tảng mạng xã hội nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, nơi đóng góp hầu hết trong tổng số 1,25 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng của WeChat trên toàn cầu.

Dữ liệu người dùng của WeChat được chia sẻ với chính quyền Trung Quốc để xây dựng các thuật toán kiểm duyệt. Nền tảng này cũng chủ động kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm về chính trị ở Trung Quốc.

  1. TikTok (1 tỷ người dùng)

TikTok là nền tảng mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc). Tiktok tăng trưởng như vũ bão sau khi xuất hiện trên thị trường quốc tế vào năm 2017, một năm sau khi được phát hành ở trong nước với cái tên Douyin.

Chỉ 2 năm sau khi ra mắt, TikTok đã nằm trong top 5 ứng dụng được tải về nhiều nhất. Một năm sau, nó lên vị trí số một. TikTok hiện có khoảng 1 tỷ người dùng.

TikTok chủ yếu được sử dụng để chia sẻ các video dạng ngắn, với thời lượng từ 15 giây đến 3 phút. Thuật toán gợi ý nội dung sử dụng trí tuệ nhân tạo là một trong những lý do giúp mạng xã hội này thu hút mạnh mẽ người dùng.

  1. Douyin (600 triệu người dùng)

Douyin là phiên bản của TikTok dành cho Trung Quốc. Trên thực tế, ByteDance giới thiệu Douyin ở thị trường trong nước khoảng 1 năm trước khi mang nó ra thế giới với cái tên TikTok.

Các tính năng lõi của 2 ứng dụng này tương tự nhau. Nhưng nội dung của chúng tách biệt, và một số tính năng cũng khác, ví dụ như tìm kiếm bằng mặt người trong video.

Ở Trung Quốc, Douyin là một nền tảng tiếp thị trực tuyến phổ biến cho các thương hiệu cao cấp. Và không giống như TikTok, Douyin cho phép các nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền dễ dàng hơn từ video của mình. Nền tảng này hiện có 600 triệu người dùng.

  1. QQ (591 triệu người dùng)

Cùng với WeChat, QQ cũng là một nền tảng thuộc sở hữu của Tencent. Được phát hành vào năm 1999 với cái tên OICQ, QQ nhanh chóng trở thành nền tảng nhắn tin phổ biến nhất ở Trung Quốc, hiện có 591 triệu người dùng.

QQ đặc biệt phổ biến trong các doanh nghiệp ở Trung Quốc vì khả năng chuyển tập tin xuất sắc. Ngoài ra, một yếu tố nữa giúp QQ thành công là nhờ Trung Quốc chặn hầu hết các ứng dụng nhắn tin có trụ sở ở nước ngoài.

Mặc dù rất phổ biến trong nước, QQ vẫn chưa có dấu ấn ở bên ngoài. Các phiên bản quốc tế của nền tảng này được phát hành từ năm 2009 nhưng vẫn chưa đạt số lượng người dùng đáng kể.

  1. Sina Weibo (566 triệu người dùng)

Sina Weibo là trang mạng xã hội dạng tiểu blog của Trung Quốc, tương tự như Twitter. Đây là một trong những nền tảng mạng xã hội lớn nhất của nước này, với 566 triệu người dùng.

Nếu muốn đăng ký tài khoản, người dùng phải có thẻ căn cước và số điện thoại do Trung Quốc cấp. Nền tảng này cho phép họ chia sẻ, phổ biến và nhận thông tin, với các tài khoản của doanh nghiệp, nhà báo, người nổi tiếng cũng như người dùng thông thường.