VNReport»Kinh tế»Dầu thô vượt 100 USD sau khi Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine

Dầu thô vượt 100 USD sau khi Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine

12:08 - 24/02/2022

Giá dầu thô Brent lần đầu tiên vượt 100 USD/thùng trong 8 năm và chứng khoán toàn cầu lao dốc sau diễn biên leo thang căng thẳng ở Ukraine.

Giá dầu thô tăng trên 100 USD/thùng và chứng khoán thế giới lao dốc sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh mở một chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,6%, Kospi của Hàn Quốc giảm 2,8% và Topix của Nhật Bản giảm 1,7%. Các hợp đồng tương lai của chứng khoán châu Âu cũng lỗ nặng, với Euro Stoxx 50 dự kiến giảm 3% vào lúc mở cửa trong khi S&P 500 sẽ giảm thêm 2% sau khi lao dốc phiên giao dịch ngày thứ Tư. FTSE 100 dự kiến​​ giảm hơn 2%.

Trên thị trường hàng hóa, dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, tăng 3,3% lên hơn 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 do lo ngại chiến tranh có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Dầu thô West Texas Intermediate, tiêu chuẩn Mỹ, tăng hơn 3% lên 95,21 USD. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng 3,3%.

Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chủ yếu bán mặt hàng này cho các nhà máy lọc dầu ở châu Âu. Đồng thời, nước này cũng là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu, cung cấp khoảng 35% nguồn cung của khu vực này.

Giá dầu thô tăng mạnh trong những tuần gần đây do lo ngại tình hình ở Ukraine.

Giá dầu thô tăng mạnh trong những tuần gần đây do lo ngại tình hình ở Ukraine.

Robert Rennie, người đứng đầu chiến lược thị trường toàn cầu ở Westpac cho biết: “Nếu tình hình này tiếp tục xấu đi, tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy giá dầu Brent ở mức 120 USD/thùng, và đó là điểm bạn mong đợi thấy sự can thiệp có phối hợp [của các nhà cung cấp toàn cầu]”.

Ray Attrill, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại Ngân hàng National Australia, cho biết: “Các thị trường cho rằng Nga sẽ làm những gì họ muốn do mức độ yếu ớt của các lệnh trừng phạt và đang tính khả năng xâm lược vào giá”.

“Nỗi lo thực sự là châu Âu bị cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga. EU không thể đối phó với cú sốc nguồn cung như vậy và sẽ phải kiềm chế nhu cầu, điều này sẽ gây suy yếu về kinh tế”, ông nói thêm. “Giá năng lượng cao hơn cũng là lúc mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu gặp thử thách, điều đó có hại cho tâm lý đánh giá rủi ro”.

Vàng tăng giá khi các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản trú ẩn, khiến kim loại quý này tăng 1% lên hơn 1.927 USD/oz. Sự dịch chuyển sang các tài sản an toàn cũng thúc đẩy giá trị đồng USD, và đồng rouble của Nga giảm thêm trong ngày hôm nay.

Đà bán tháo lan sang cả thị trường tiền mã hóa, đẩy Bitcoin xuống 35.000 USD – mức thấp nhất trong một tháng.

Các thị trường phản ứng sau khi Putin nói rằng ông đã ra lệnh cho một chiến dịch quân sự ở vùng Donbas của Ukraine và yêu cầu quân đội của Kyiv hạ vũ khí.

“Mọi trách nhiệm về đổ máu có thể xảy ra sẽ thuộc về lương tâm của chế độ cầm quyền”, ông nói trong một bài phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Nga. Ông Putin cũng cảnh báo các nước khác không nên “can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra”.

Diễn biến ở Ukraine làm chao đảo thị trường toàn cầu, với việc Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể khởi động một cuộc xâm lược toàn diện. Kyiv tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào hôm thứ Tư và ra lệnh cho công dân của mình rời khỏi Nga ngay lập tức sau khi Điện Kremlin cho biết 2 lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine do Moscow hậu thuẫn kêu gọi Putin “đẩy lùi sự xâm lược của chế độ Ukraine”.

Chứng khoán Nga cũng lao dốc trong cuộc khủng hoảng. Hôm thứ Hai, chỉ số Moex giảm tới 14,2%, phiên giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ khi Nga chiếm Crimea vào năm 2014. Chỉ số này đã giảm hơn 18% trong năm nay.