VNReport»Top»5 mặt hàng thiết yếu bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga – Ukraine

5 mặt hàng thiết yếu bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga – Ukraine

17:24 - 06/03/2022

Chiến tranh Nga – Ukraine đe dọa làm gián đoạn thêm các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng.

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine đe dọa làm gián đoạn thêm các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã căng thẳng, vì các nước này là những nhà cung cấp nguyên liệu và năng lượng thiết yếu cho nhiều ngành sản xuất quan trọng.

Sau đây là 5 loại hàng hóa sẽ gặp khó khăn vì ảnh hưởng của cuộc chiến này.

  1. Năng lượng

Hàng loạt nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt thông qua một số đường ống quan trọng, và điều này có thể đã ảnh hưởng đến cách tiếp cận của họ đối với cuộc khủng hoảng. Ví dụ, sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga được cho là lý do khiến một số nước châu Âu không muốn loại bỏ Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Mặc dù hiện tại khó có thể tạm dừng hoàn toàn các dòng khí đốt từ Nga, nhưng ngay cả gián đoạn nhỏ cũng có tác động đáng kể. Lượng dự trữ khí đốt toàn cầu đang thấp do đại dịch và giá năng lượng tăng mạnh, tác động đến người tiêu dùng và các ngành công nghiệp.

Dầu mỏ cũng là mặt hàng mà Nga là nhà cung cấp quan trọng. Nước này sản xuất dầu mỏ nhiều thứ 3 và xuất khẩu nhiều thứ 2 thế giới. Với nhu cầu dầu của thế giới tăng mạnh khi các nền kinh tế đang mở cửa, bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào cũng sẽ gây cản trở đà phục hồi kinh tế của thế giới.

  1. Thực phẩm

Giá thực phẩm toàn cầu đã tăng mạnh trong năm 2021 do nhiều yếu tố. Các nhà sản xuất thực phẩm sẽ phải chịu thêm áp lực khi giá những nguyên liệu đầu vào chính tiếp tục tăng.

Cùng nhau, Nga và Ukraine chiếm hơn 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, trong khi riêng Ukraine chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu dầu hướng dương. Đây đều là các mặt hàng chính được sử dụng trong nhiều sản phẩm thực phẩm. Nếu việc thu hoạch và chế biến bị cản trở ở Ukraine do chiến tranh, hoặc xuất khẩu bị chặn, thì nguồn cung đó rất khó có thể thay thế được.

Một số nước phụ thuộc đặc biệt nhiều vào ngũ cốc từ Nga và Ukraine. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập nhập khẩu 70% lượng lúa mì từ 2 nước này. Ukraine cũng là nhà cung cấp ngô hàng đầu cho Trung Quốc.

Đẩy mạnh sản xuất ở những nơi khác trên thế giới có thể giúp giảm thiểu tác động của sự gián đoạn này. Tuy nhiên, Nga cũng là nhà cung cấp lớn các nguyên liệu chính cho phân bón nên các lệnh trừng phạt thương mại có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở những nơi khác.

  1. Vận tải

Với việc giao thông toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng trong đại dịch, một cuộc chiến tranh có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn nữa. Các phương thức vận tải có khả năng bị ảnh hưởng là vận tải biển và vận tải đường sắt.

Trung Quốc và châu Âu thiết lập liên kết bằng đường sắt thường xuyên kể từ năm 2011. Trong khi đường sắt chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng hàng hóa giữa châu Á và châu Âu, nó đóng vai trò quan trọng trong thời gian gián đoạn gần đây và đang phát triển ổn định. Tuy nhiên, các chuyến tàu hỏa đang phải tránh Ukraine và những nước như Lithuania dự báo vận tải đường sắt của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Ngay cả trước cuộc xâm lược, các chủ tàu đã bắt đầu tránh những tuyến đường vận tải trên Biển Đen. Mặc dù vậy, một trong những cảng container lớn nhất là Odessa ở Ukraine. Nếu cảng này bị Nga cắt đứt, xuất nhập khẩu của Ukraine có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giá dầu tăng do chiến tranh là một mối lo ngại nữa đối với ngành vận tải biển nói chung. Cước phí vận chuyển đã ở mức rất cao và có thể còn tăng cao hơn nữa.

Cũng có lo ngại rằng các cuộc tấn công mạng có thể nhắm vào những chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thương mại phụ thuộc nhiều vào trao đổi thông tin trực tuyến, điều này có thể gây ra hậu quả sâu rộng nếu ảnh hưởng đến các hãng tàu hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng. Tác động dây chuyền từ một cuộc tấn công mạng đối với chuỗi cung ứng có thể rất lớn.

  1. Kim loại

Nga và Ukraine dẫn đầu toàn cầu về sản xuất các kim loại như niken, đồng và sắt. Họ cũng tham gia nhiều vào việc xuất khẩu và sản xuất các nguyên liệu thô thiết yếu khác như neon, palladium và bạch kim.

Lo ngại về các lệnh trừng phạt đối với Nga làm tăng giá những kim loại này. Ví dụ, với palladium, giá giao dịch hiện tại là khoảng 3.000 USD/oz, tăng gần gấp đôi kể từ giữa tháng 12. Palladium được sử dụng cho các thiết bị từ hệ thống ống xả ô tô, điện thoại di động đến chất hàn răng. Giá của niken và đồng, được sử dụng trong sản xuất và xây dựng, cũng đã tăng vọt.

Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Mỹ và châu Âu cũng phụ thuộc vào nguồn cung titan từ Nga. Boeing và Airbus đã tiếp cận các nhà cung cấp thay thế. Tuy nhiên, thị phần và sản phẩm của nhà cung cấp hàng đầu VSMPO-AVISMA của Nga khiến việc đa dạng hóa hoàn toàn là không thể, với một số hãng hàng không vũ trụ đã ký hợp đồng cung cấp dài hạn đến năm 2028.

  1. Vi mạch

Tình trạng thiếu vi mạch là một vấn đề lớn trong suốt năm 2021. Một số nhà phân tích dự đoán rằng vấn đề này sẽ giảm bớt vào năm 2022, nhưng tình hình gần đây có thể làm giảm bớt sự lạc quan đó.

Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu chính của neon, palladium và bạch kim, tất cả đều rất quan trọng đối với sản xuất vi mạch.

Khoảng 90% neon, được sử dụng cho in thạch bản làm chip, có nguồn gốc từ Nga và 60% trong số này được tinh chế bởi một công ty ở Odessa, Ukraine. Các nguồn thay thế cần có đầu tư dài hạn trước khi cung cấp được cho thị trường toàn cầu.

Các nhà sản xuất chip hiện đang giữ lượng hàng tồn kho tương đương 2 đến 4 tuần, nhưng bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung kéo dài nào do chiến tranh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất chất bán dẫn và các sản phẩm phụ thuộc vào chúng, bao gồm cả ô tô.