VNReport»Top»10 thương vụ mua bán câu lạc bộ bóng đá đắt đỏ nhất lịch sử

10 thương vụ mua bán câu lạc bộ bóng đá đắt đỏ nhất lịch sử

16:18 - 09/05/2022

Thương vụ mua Chelsea của nhóm Boehly ghi nhận mức giá đắt đỏ nhất từng được trả để mua một câu lạc bộ bóng đá.

Những năm gần đây, các giải bóng đá châu Âu ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Vì vậy, nhiều tỷ phú và các quỹ đầu tư đã chi hàng trăm triệu bảng Anh để mua lại những câu lạc bộ bóng đá châu Âu, không chỉ vì hâm mộ môn thể thao này, mà còn để kiếm lợi nhuận.

  1. Chelsea (4,3 tỷ bảng Anh)

Tháng 5 năm nay, một nhóm đầu tư đến từ Mỹ do Todd Boehly dẫn đầu đạt được thỏa thuận mua lại Chelsea từ tỷ phú người Nga Roman Abramovich với giá gần 4,3 tỷ bảng Anh. Đây là mức kỷ lục từng được trả cho một câu lạc bộ bóng đá, cũng như một câu lạc bộ thể thao nói chung.

Ông Abramovich mua lại câu lạc bộ thuộc giải Ngoại hạng Anh vào năm 2003, với giá 140 triệu bảng Anh – mức giá kỷ lục khi đó, và đạt được nhiều thành công. Vào tháng 3 năm nay, ông Abramovich rao bán Chelsea dưới áp lực của các lệnh trừng phạt do Anh áp đặt lên ông vì mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

  1. Manchester United (800 triệu bảng Anh)

Quỷ đỏ là một trong những câu lạc bộ nổi tiếng nhất ở Anh và trên thế giới. Họ hiện thuộc sở hữu của nhà Glazer. Gia đình người Mỹ này cũng đang sở hữu câu lạc bộ bóng bầu dục Tampa Bay Buccaneers thuộc giải NFL. Malcolm Glazer hoàn thành việc mua lại đội bóng vào năm 2005 trong một trong những thương vụ đắt giá nhất đối với một câu lạc bộ bóng đá.

Giá mua cuối cùng của Manchester United vào khoảng 800 triệu bảng Anh. Kể từ khi mua lại, đội bóng này là một trong những câu lạc bộ kiếm được nhiều tiền trên thế giới. Nhưng thành công của họ trên sân cỏ đã giảm sút trong những năm gần đây.

  1. Arsenal (600 triệu bảng Anh)

Stan Kroenke nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Pháo thủ vào năm 2018. Ông đưa ra lời đề nghị trị giá khoảng 600 triệu bảng Anh để mua lại số cổ phần của tỷ phú Alisher Usmanov, qua đó tăng quyền sở hữu của ông ở Arsenal lên 90%. Sau đó, ông mua nốt số cổ phần còn lại để trở thành cổ đông duy nhất của câu lạc bộ.

Tỷ phú người Mỹ là chủ sở hữu của tập đoàn thể thao và giải trí Kroenke Sports & Entertainment. Các tài sản của tập đoàn này còn bao gồm câu lạc bộ bóng bầu dục Los Angeles Rams thuộc giải NFL và câu lạc bộ bóng rổ Denver Nuggets thuộc giải NBA.

  1. AC Milan (600 triệu bảng Anh)

AC Milan là một trong những câu lạc bộ có bề dày lịch sử hàng đầu ở Ý. Tuy nhiên, sau nhiều năm không thành công, ​​chủ sở hữu Silvio Berlusconi – người cũng là cựu Thủ tướng Ý – đã bán câu lạc bộ cho doanh nhân Trung Quốc Li Yonghong. Hai bên đồng ý về một thỏa thuận trị giá 600 triệu bảng Anh cho AC Milan vào năm 2016.

Câu lạc bộ Serie A cũng gặp khó khăn dưới ông chủ mới. Điều này dẫn đến việc quỹ đầu tư Elliot Management của Mỹ tiếp quản câu lạc bộ. Quỹ này trở thành chủ sở hữu chính thức của câu lạc bộ với gần 100% cổ phần, sau khi Li Yonghong vỡ nợ 340 triệu bảng Anh vào năm 2018.

  1. Valencia (345 triệu bảng Anh)

Ông trùm bất động sản người Singapore Peter Lim được xác nhận là chủ sở hữu mới của Valencia vào năm 2014, sau khi trả tổng cộng 345 triệu bảng Anh để tiếp quản câu lạc bộ. Thương vụ hoàn tất sau 10 tháng đàm phán.

Có thông tin rằng Lim đã đưa ra đề xuất trị giá 200 triệu bảng Anh cho khoản nợ của Valencia và 140 triệu bảng Anh để xây một sân vận động mới. Doanh nhân người Singapore tiếp quản câu lạc bộ La Liga sau khi mua 70,4% cổ phần.

  1. Newcastle United (300 triệu bảng Anh)

Đây là một trong những vụ mua bán câu lạc bộ bóng đá gây tranh cãi nhất trong những năm gần đây. Quỹ đầu tư công của Ả Rập Xê Út (PIF) đã mua câu lạc bộ thuộc giải Ngoại hạng Anh với mức phí là khoảng 300 triệu bảng Anh. PIF mua câu lạc bộ cùng với sự hợp tác của các nhà đầu tư Anh là PCP Capital Partners và anh em nhà Ruben. Trước thương vụ, Mike Ashley là chủ sở hữu của Newcastle United trong hơn 14 năm.

Thỏa thuận được khởi động từ tháng 4/2020. Nhưng ban điều hành giải Ngoại hạng Anh từ chối phê duyệt thỏa thuận. Tuy nhiên, sau những cuộc đàm phán kéo dài, thương vụ này đã được hoàn tất vào tháng 4/2021.

  1. Liverpool (300 triệu bảng Anh)

Vào tháng 10/2010, Tập đoàn Thể thao Fenway (FSG) mua lại Liverpool từ các chủ sở hữu khi đó là George Gillet và Tom Hicks. Công ty Mỹ – chủ sở hữu câu lạc bộ bóng chày Boston Red Sox thuộc giải MLB – đã trả 300 triệu bảng Anh để mua Lữ đoàn đỏ.

Liverpool có được những thành công vang dội kể từ khi thay đổi chủ sở hữu. Họ giành chức vô địch Champions League mùa giải 2018-2019, và sau đó giành được chức vô địch Ngoại hạng Anh đầu tiên trong lịch sử vào năm 2019-2020.

  1. Inter Milan (225 triệu bảng Anh)

Doanh nhân Trung Quốc Zhang Jindong mua lại gã khổng lồ Serie A vào năm 2016. Ông có được phần lớn quyền sở hữu câu lạc bộ thông qua công ty của mình là Tập đoàn Suning Holdings. Công ty đã trả khoảng 225 triệu bảng Anh cho thương vụ.

Inter Milan đã có được những thành công đáng kể từ khi thay đổi chủ sở hữu. Mùa giải 2020-2021, họ giành chức vô địch Serie A, chấm dứt sự thống trị của Juventus ở giải đấu.

  1. Manchester City (160 triệu bảng Anh)

Sheikh Mansour mua đội bóng thuộc giải Ngoại hạng Anh với giá 160 triệu bảng Anh vào năm 2008. Khoản đầu tư khổng lồ của tỷ phú người Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất sau khi mua lại đội bóng biến Manchester City trở thành một thế lực lớn của bóng đá Anh nói riêng và bóng đá châu Âu nói chung.

Dưới triều đại của Sheikh Mansour, Manchester City đã giành 5 danh hiệu Ngoại hạng Anh, 2 cúp FA và lọt vào chung kết Champions League mùa giải 2020-2021.

  1. Chelsea (140 triệu bảng Anh)

Roman Abramovich là một trong những nhà đầu tư lớn đầu tiên vào giải Ngoại hạng Anh. Tỷ phú người Nga mua câu lạc bộ thành London với giá 140 triệu bảng Anh vào năm 2003. Điều này đưa Chelsea đến với những thành công lớn ở trong nước và châu Âu. Kể từ khi được Abramovich mua lại, họ đã giành được nhiều danh hiệu nhất trong số các câu lạc bộ Anh, bao gồm 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh, 5 cúp FA, 2 danh hiệu Champions League và 2 danh hiệu Europa League.

Abramovich là một trong những ông chủ bóng đá đầu tiên sử dụng tiền túi của mình để mua những cầu thủ hàng đầu – một hiện tượng từng bị chỉ trích là “dùng tiền mua danh hiệu”.