VNReport»Kinh tế»Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo kém Mỹ lần đầu tiên từ năm 1976

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo kém Mỹ lần đầu tiên từ năm 1976

17:12 - 20/05/2022

Bloomberg Economics dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 2% trong năm nay, thấp hơn 2,8% của Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế thứ 2 thế giới gặp khó khăn do những đợt phong tỏa ở các thành phố lớn.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể lần đầu tiên bị Mỹ vượt qua kể từ năm 1976 do biện pháp phong tỏa của nước này liên quan đến Covid-19. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể dẫn đến những tác động chính trị ở Bắc Kinh.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ tăng trưởng chỉ 2% trong năm nay, theo một báo cáo của Bloomberg Economics. Họ cũng dự báo tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ tăng 2,8% trong năm nay.

Tác động của các biện pháp kích thích tài chính, tiền tệ và quy định mà Bắc Kinh đang áp dụng bị triệu tiêu bởi chính sách “zero Covid” của Chủ tịch Tập Cận Bình – bắt buộc các địa phương phải hạn chế hoạt động kinh tế nghiêm ngặt khi bùng phát virus. Mỹ – dù phải chịu lạm phát cao – vẫn có mức chi tiêu tiêu dùng và nhu cầu lao động tốt.

Tuy nhiên, dự báo của Bloomberg Economics ở vùng thấp, vì ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc bình quân vẫn trên 4%. Nếu họ đúng, năm nay sẽ là lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng cả năm của Trung Quốc thua đối thủ kể từ năm 1976, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới. Khi đó, Trung Quốc đang hồi phục sau thập kỷ hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì phong tỏa.

Kinh tế Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì phong tỏa.

Thành tích kinh tế năm nay có thể có ảnh hưởng lớn đến ông Tập – người dự kiến sẽ có nhiệm kỳ thứ 3 lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm nay. Tỷ lệ tăng trưởng 2% thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức của chính phủ là khoảng 5,5% trong năm nay. Tháng trước, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng ông Tập nói với các quan chức phải bảo đảm tăng trưởng của Trung Quốc vượt Mỹ trong năm nay.

Năm nay có thể là lần đầu tiên Trung Quốc kém xa mục tiêu tăng trưởng kể từ khi bắt đầu đặt những mục tiêu từ cuối năm 1990. Bắc Kinh không công bố mục tiêu vào năm 2020, khi đại dịch xảy ra.

Mục tiêu khoảng 5,5% trong năm nay là mức thấp nhất từng được đặt ra, và được Bắc Kinh xác định trước đợt phong tỏa gần đây nhất ở các đô thị bao gồm cả Thượng Hải. Một số nhà kinh tế hiện ước tính GDP của Trung Quốc giảm trong quý này trong bối cảnh doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp đều giảm trong tháng 4.

Theo Stephen Jen, người điều hành quỹ đầu cơ và công ty tư vấn Eurizon SLJ Capital, chính trị có thể đã đóng vai trò trong việc thiết lập mục tiêu tăng trưởng năm nay – được đánh giá là cao ngay cả trước phong tỏa. Trong phân tích của ông, có khả năng có sự chia rẽ quan điểm về mức độ ảnh hưởng của việc siết chặt quy định đối với các ngành bao gồm bất động sản và công nghệ.

“Chúng tôi nghi ngờ đây là lý do chính đằng sau mục tiêu tăng trưởng rõ ràng là quá cao: nó được cố ý đặt ra bởi phe “ủng hộ tăng trưởng” ở Bắc Kinh để hạn chế siết chặt quy định hơn nữa và khôi phục môi trường tốt hơn cho khu vực tư nhân phát triển”, Jen và đồng nghiệp Joana Freire viết trong một ghi chú vào đầu tháng này.

Thực tế, giới hoạch định chính sách đã nhiều lần đưa ra cam kết về những động thái thân thiện hơn với tăng trưởng. Phó Thủ tướng Lưu Hạc vào đầu tuần này ra tín hiệu rằng Bắc Kinh có thể sẵn sàng từ bỏ kìm hãm các công ty công nghệ. Tuy nhiên, những thông báo trên không bao gồm bất kỳ gói tài chính cụ thể, quy mô lớn hoặc biện pháp nới lỏng tiền tệ dứt khoát, toàn diện nào, khiến các nhà kinh tế và nhà đầu tư không mấy ấn tượng.

“Trung Quốc vẫn có những lựa chọn chính sách”, các nhà kinh tế của Citigroup viết trong một ghi chú tuần này. “Vào thời điểm này, việc triển khai kịp thời và dứt khoát các biện pháp kích thích thực sự rất quan trọng để đưa tăng trưởng trở lại đúng hướng”.