VNReport»Kinh tế»Đề xuất khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đề xuất khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

09:27 - 27/05/2022

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất tạm giữ quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, và nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến ​​xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, vì nhận thấy tiềm năng phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là theo quyết định tại Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội. Tuy nhiên, đến nay, công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống nhân dân còn nhiều bất cập; về sử dụng và tận dụng các nguồn lực, thỏa thuận với các đối tác nước ngoài còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo kết quả giám sát, người dân trong vùng dự án bị thu hồi đất phải chờ đợi lâu, bị hạn chế quyền lợi, không được thực hiện quyền sử dụng đất. “Có trường hợp là chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau; không được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới nhà ở, công việc làm ăn, sản xuất bị ngưng trệ”, Ủy ban Kinh tế cho biết. Ngoài ra, một số vướng mắc về thuế, chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn chưa được giải quyết …

Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã bị dừng từ cuối năm 2016.

Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã bị dừng từ cuối năm 2016.

Năm 2009, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được Quốc hội thông qua với tổng công suất 4.000 MW. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 31 về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này, có hiệu lực từ ngày 22/11/2016. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần khoảng 2.307 tỷ đồng. Theo lý giải của Chính phủ, việc dừng các dự án điện hạt nhân không phải vì lý do công nghệ mà do điều kiện kinh tế của đất nước khi đó.

Tháng 11/2021, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương sớm đề xuất thời điểm chấm dứt quy hoạch các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.

Ủy ban Kinh tế cho rằng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, theo lộ trình giảm phát thải, hướng tới không phát thải ròng vào năm 2050, điện hạt nhân là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu trong quá trình phát triển ngành năng lượng Việt Nam giai đoạn tiếp theo. Cơ quan này đánh giá, điện hạt nhân được các nước công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu sau Hội nghị COP 26.

“Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận và cam kết quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là với Nga và Nhật Bản về phát triển điện hạt nhân cũng như các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình khác”, Ủy ban Kinh tế cho biết.

Cơ quan giám sát cho rằng việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân để lập quy hoạch là một quá trình lâu dài, cẩn trọng, tuân theo các quy định nghiêm ngặt và rất tốn kém. Hơn nữa, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới dừng, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác. “Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này”, Ủy ban Kinh tế đề xuất.

Trước mắt, cơ quan này cho rằng cần có chủ trương của Đảng, sau đó sẽ tính toán phương án điện hạt nhân và nghiên cứu khởi động lại dự án tại Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp.

Về năng lực triển khai điện hạt nhân, Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện Việt Nam đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bước đầu điều chỉnh lĩnh vực này; đã đào tạo nguồn nhân lực trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, có quan hệ hợp tác với một số quốc gia, tổ chức quốc tế về năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình; có cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp thu công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, cần nhanh chóng đưa ra đề xuất hợp lý về phát triển điện hạt nhân trong tương lai trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.