VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Thổ Nhĩ Kỳ đổi ý, ủng hộ Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ đổi ý, ủng hộ Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

14:53 - 29/06/2022

Theo thỏa thuận giữa 3 nước, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, mở đường cho việc mở rộng liên minh quân sự này.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) theo một thỏa thuận giữa 3 nước nhằm giải quyết lo ngại của Ankara về vấn đề khủng bố từ người Kurd.

Hai nước Bắc Âu – từ chối tham gia liên minh trong thời gian dài – đột ngột thay đổi lập trường sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 24/2. Họ đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng trước.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Dựa trên những tiến bộ mà chúng tôi đạt được, [Thổ Nhĩ Kỳ] đồng ý ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển” trong nỗ lực xin làm thành viên của liên minh.

Tất cả 29 thành viên khác của NATO đã tán thành việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối. Vì vậy, thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ với 2 nước này dường như dọn đường cho việc mở rộng liên minh.

Các nhà lãnh đạo của 3 nước đã ký một bản ghi nhớ sau cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ tại Madrid vào thứ Ba. Trong đó, Thụy Điển và Phần Lan cam kết làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề mà nước này quan tâm.

Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan để ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của 2 nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan để ủng hộ đơn xin gia nhập NATO của 2 nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý với đơn xin gia nhập của 2 nước sau khi họ cam kết bằng văn bản không hỗ trợ cho các nhóm mà Ankara coi là khủng bố người Kurd và lên án chủ nghĩa khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, theo nội dung của bản ghi nhớ. Họ cũng đồng ý làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ những kẻ bị buộc tội khủng bố, tài trợ khủng bố và các vấn đề tương tự.

Trước đó, trước triển vọng đạt được thỏa thuận, Nga đã đe dọa bố trí tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân ở biên giới của mình. Ông Dmitry Medvedev – Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga – cho biết Moscow không nhận thấy mối đe dọa từ Thụy Điển và Phần Lan trong NATO bởi vì mối quan hệ trước đây với các nước này “khá tôn trọng và có ý nghĩa tốt đẹp lẫn nhau”. Tuy nhiên, Nga vẫn cần phải sẵn sàng, ông nói với báo chính phủ Argumenty i Fakty.

Thỏa thuận xua đi bóng đen đe dọa làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO. Với việc vấn đề này có vẻ như đã được giải quyết, các nhà lãnh đạo có thể tập trung vào các vấn đề khác.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, các quan chức NATO cân nhắc đến các vấn đề từ mối đe dọa mới từ Trung Quốc, chiến tranh hỗn hợp đến biến đổi khí hậu. Nhưng cuộc tấn công của Moscow khiến họ tập trung lại vào nhiệm vụ ban đầu của liên minh: đối phó với mối nguy sát sườn.

Sau khi Nga điều quân vào Ukraine, NATO có đợt huy động lực lượng lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Liên minh này ngay lập tức đưa ra mức báo động sẵn sàng chiến tranh cho các lực lượng tiền tuyến và đưa hơn 100 máy bay tuần tra từ Biển Đen đến Vòng Bắc Cực. Các thành viên đã triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ gần biên giới của Nga, đồng thời bắt đầu gửi vũ khí và các khoản viện trợ khác tới Kyiv.

Ông Stoltenberg hôm thứ Hai cho biết liên minh sẽ tăng lên hơn 300.000 quân trực chiến từ 40.000. Gần đây, ông cũng cho biết rằng các nhà lãnh đạo sẽ tuyên bố Nga là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh của chúng ta” tại hội nghị thượng đỉnh.

Trung Quốc vẫn là một trọng tâm khác của hội nghị thượng đỉnh. Liên quan đến vấn đề này, NATO lần đầu tiên đã mời lãnh đạo các đối tác châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia tham gia.