VNReport»Kinh tế»Tài chính»Khối ngoại mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng trong quý 2/2022

Khối ngoại mua ròng hơn 10.000 tỷ đồng trong quý 2/2022

16:40 - 04/07/2022

Quý vừa qua đánh dấu quý đầu tiên khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ quý 2/2020.

Từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, đặc biệt là sau các vụ bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp và chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Nhưng trong bối cảnh đó, khối ngoại lại bất ngờ quay trở lại mua ròng trên thị trường sau 2 năm bán ròng.

VN-Index đóng cửa quý 2 ở mức 1197.60 điểm, tương ứng mất hơn 20% giá trị so với đầu năm. HNX-Index giảm hơn 40% và UPCoM-Index hơn 20% trong cùng giai đoạn.

Tuy nhiên, sau 7 quý bán ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trong các phiên giao dịch từ tháng 4 đến tháng 6. Xu hướng giảm bán ròng xuất hiện từ đầu năm nay, khi thị trường bắt đầu lao dốc mạnh, và phát triển thành xu hướng mua ròng.

Trong quý 2, khối ngoại mua vào 2,55 tỷ cổ phiếu trị giá 106.200 tỷ đồng và bán ra 2,28 tỷ cổ phiếu trị giá 95,734 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng là 271 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 10.416 tỷ đồng – con số cao nhất từ cuối năm 2018 đến nay.

Sự đảo chiều này tương đối ngoạn mục khi trước đó, khối ngoại đã bán ròng hơn 15.700 tỷ đồng trong năm 2020 và rút vốn kỷ lục 62.300 tỷ đồng trong năm 2021.

Theo quan sát của VNDirect, hiện tượng này phần lớn là do dòng vốn ETF (như các quỹ đầu tư VNDiamond, Fubon) tăng mạnh. Điều này cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Theo Bloomberg, định giá P/E của VN-Index hiện chỉ khoảng 13, thấp hơn nhiều so với mức cao 19 hồi đầu tháng 4 hay mức trung bình 15 trong một thập kỷ qua.

Dòng vốn ngoại tích cực và thanh khoản trong nước sụt giảm nghiêm trọng dẫn đến tỷ trọng giao dịch thay đổi. Nhà đầu tư nước ngoài tăng dần tỷ trọng lên hơn 9% trong những tháng gần đây, trong khi cá nhân trong nước chỉ chiếm 82% tổng giao dịch do tâm lý thận trọng.

Lũy kế nửa đầu năm, khối ngoại giao dịch khá mạnh khi mua vào 211.597 tỷ đồng và bán ra 207.740 tỷ đồng. Giá trị mua ròng đạt 3.857 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh đạt 3.219 tỷ đồng và thỏa thuận là 638 tỷ đồng.

Chứng chỉ quỹ FUEVFVND của quỹ VNDiamond được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong nửa đầu năm (3.304 tỷ đồng). Sự ưa chuộng của khối ngoại với quỹ này là vì nó sở hữu nhiều mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng đã kín room. Phần lớn lượng tiền đổ vào quỹ này đến từ các nhà đầu tư Thái Lan.

Top 10 mã được mua ròng nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm cũng có sự góp mặt của bộ đôi cổ phiếu phân bón – DPM và DCM – với triển vọng kinh doanh tích cực nhờ giá phân bón thế giới tăng mạnh.

Ngoài FUEVFVND và DPM, MWG, NLG, BSR và CTG cũng được mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Ở chiều ngược lại, HPG của Hòa Phát tiếp tục đứng đầu danh sách bán ròng. Cổ phiếu đầu ngành thép này bị khối ngoại rút ròng hơn 2.353 tỷ đồng trong nửa đầu năm, sau khi bị bán ròng hơn 18.900 tỷ đồng vào năm ngoái. Áp lực bán của khối ngoại góp phần khiến thị giá HPG xuống mức thấp nhất 17 tháng và vốn hóa thị trường bốc hơi hàng tỷ USD.

Doanh nghiệp đầu ngành bất động sản là Vinhomes (VHM) cũng bị khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng do lo ngại triển vọng ngành bị siết chặt. Các mã bất động sản lớn khác như NVL hay KDH cũng bị rút ròng mạnh.

Danh sách bán ròng còn có sự xuất hiện của 2 đại diện nhóm ngành chứng khoán là SSI và VND với giá trị lần lượt 958 tỷ đồng và 392 tỷ đồng. Thanh khoản và thị trường suy giảm đã tác động trực tiếp đến triển vọng của ngành chứng khoán, dẫn đến việc khối ngoại rút tiền ra khỏi nhóm cổ phiếu này.