VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nga, Ukraine ký thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc

Nga, Ukraine ký thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc

15:47 - 23/07/2022

Thỏa thuận đặt mục tiêu mở 3 cảng của Ukraine ở Biển Đen để cho phép ngũ cốc của nước này được vận chuyển sang các nước nhập khẩu.

Hôm thứ Sáu, Nga và Ukraine ký kết một thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc và các nông sản khác từ Ukraine một cách an toàn, khi thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng lương thực.

Thỏa thuận là kết quả của nỗ lực ngoại giao nhiều tháng do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu. Cả 2 bên, cùng với Nga và Ukraine, ký kết vào thỏa thuận cho phép các tàu buôn có thể vận chuyển những chuyến hàng qua Biển Đen trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine.

“Không có gì phải nghi ngờ – đây là một thỏa thuận cho thế giới,” Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, người đã bay đến Istanbul để dự lễ ký kết cho biết. “Nó sẽ cứu trợ các nước đang phát triển bên bờ vực phá sản và những người dễ bị tổn thương nhất bên bờ vực nạn đói”. Ông Guterres cho biết 3 cảng của Ukraine là Odessa, Chernomorsk và Yuzhny sắp được mở ở Biển Đen để cho phép xuất khẩu lương thực “với khối lượng đáng kể”. Thỏa thuận có hiệu lực trong 120 ngày và có thể được gia hạn.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong buổi lễ ký kết hôm thứ Sáu.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong buổi lễ ký kết hôm thứ Sáu.

Các cuộc đàm phán sơ bộ cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đồng ý ngừng bắn để cho phép các tàu hải quân Ukraine hộ tống tàu buôn.

Các tàu hải quân Ukraine được giao nhiệm vụ quét mìn – một biện pháp phòng ngừa cần thiết được thực hiện sau khi lực lượng Nga đặt khoảng 400 quả mìn ở Biển Đen đầu năm nay. Moscow cũng cáo buộc Kyiv đặt mìn. Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia đóng vai trò chủ trì đàm phán – chịu trách nhiệm kiểm tra tất cả các tàu để xoa dịu lo ngại của Nga về buôn lậu vũ khí. Liên Hợp Quốc cũng sẽ thành lập một văn phòng ở Istanbul để giám sát tình hình an ninh.

Thỏa thuận “sẽ giúp ổn định giá lương thực toàn cầu vốn đã ở mức kỷ lục ngay cả trước chiến tranh – một cơn ác mộng thực sự đối với các nước đang phát triển”, ông Guterres cho biết.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự lễ ký kết với ông Guterres và kêu gọi tất cả các bên chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. “Chúng tôi đã thấy ngay từ đầu rằng sẽ không có người chiến thắng trong cuộc chiến này”, ông nói. “Không chỉ các bên, mà cả thế giới sẽ gánh chịu hậu quả”.

Ông Erdogan cho biết ông “hy vọng chân thành nhất” rằng hiệp ước được ký hôm thứ Sáu báo hiệu một “bước ngoặt” trong cuộc chiến. “Chiến tranh cuối cùng sẽ kết thúc tại bàn đàm phán”, ông cho biết thêm trong lời kêu gọi Kyiv và Moscow nối lại đàm phán ngoại giao.

Thỏa thuận này có thể giúp giảm bớt căng thẳng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ ­– nơi mà giá lương thực cao đóng góp vào lạm phát phi mã và đe dọa quyền lực của ông Erdogan.

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tăng tốc độ xuất khẩu ngũ cốc qua đường bộ và thông qua các tàu nhỏ hơn rời sông Danube vào Biển Đen, sau khi tuyến hàng hải đó được mở ra với việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát Đảo Rắn – một lãnh thổ nhỏ nhưng chiến lược ở Biển Đen. Nước này xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn ngũ cốc trong tháng 6, theo chính phủ Ukraine, vẫn ở mức thấp hơn trước chiến tranh là khoảng 5 triệu tấn/tháng.

Nếu được thực hiện, thỏa thuận hôm thứ Sáu có thể giúp hạ nhiệt khủng hoảng lương thực cho các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi ­– vốn phụ thuộc nhiều vào lúa mì từ Ukraine và Nga. Ai Cập – nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới – có hơn 70% nguồn cung đến từ 2 nước này, tương tự như Lebanon. Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 80% nguồn cung từ 2 nước.

Các quan chức kỳ vọng thỏa thuận sẽ giúp giảm bớt lo ngại toàn cầu về an ninh lương thực, bao gồm cả đối với các nước đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ nguồn cung ngũ cốc của chính mình, gây áp lực lên những nước nhỏ hơn.