VNReport»Top»8 vùng lãnh thổ được công nhận hạn chế

8 vùng lãnh thổ được công nhận hạn chế

17:19 - 05/08/2022

Những quốc gia này không phải là thành viên hay quan sát viên của Liên Hợp Quốc, nhưng được ít nhất một nước thành viên Liên Hợp Quốc công nhận.

Một số chính thể tuyên bố độc lập và có quyền kiểm soát lãnh thổ của mình trên thực tế nhưng không được công nhận rộng rãi. Danh sách sau đây bao gồm 8 vùng lãnh thổ không phải là thành viên hay quan sát viên của Liên Hợp Quốc (LHQ), nhưng được ít nhất một nước thành viên của LHQ công nhận

  1. Đài Loan

Trung Hoa Dân Quốc (ROC) được thành lập theo hiến pháp vào năm 1912 và chủ yếu đặt tại đảo Đài Loan từ năm 1949. ROC từng được đa số các nước thành viên LHQ công nhận là chính phủ duy nhất của Trung Quốc cho đến khoảng cuối những năm 1950/đầu những năm 1960, khi đa số các quốc gia thành viên LHQ bắt đầu dần chuyển sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC).

Chính LHQ công nhận ROC là đại diện duy nhất của Trung Quốc cho đến năm 1971, khi họ quyết định trao sự công nhận này cho PRC theo Nghị quyết 2758 của Đại hội đồng LHQ. ROC và PRC không công nhận tư cách nhà nước của nhau, và mỗi nước thực thi phiên bản riêng của chính sách Một Trung Quốc, nghĩa là không một nước nào có thể công nhận cả hai quốc gia này cùng một lúc.

ROC hiện được 13 thành viên LHQ và Tòa Thánh công nhận. Hầu như tất cả các quốc gia thành viên LHQ còn lại công nhận PRC và hoặc chấp nhận tuyên bố lãnh thổ của PRC đối với Đài Loan, không có quan điểm rõ ràng về tình trạng của Đài Loan, hoặc bỏ qua hoàn toàn vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, một số lượng đáng kể các nước thành viên LHQ công nhận PRC cũng có quan hệ phi ngoại giao chính thức với ROC, gọi nước này là Đài Bắc hoặc Đài Loan. Bhutan là nước thành viên duy nhất của LHQ chưa bao giờ công nhận ROC hoặc PRC một cách rõ ràng. Kể từ đầu những năm 1990, ROC đã tìm kiếm tư cách thành viên LHQ dưới nhiều tên khác nhau, bao gồm cả Đài Loan.

  1. Cộng hòa Ả Rập Sahrawi Dân chủ

Morocco xâm lược và sát nhập phần lớn Tây Sahara, buộc Tây Ban Nha phải rút khỏi lãnh thổ vào năm 1975. Năm 1976, Mặt trận Polisario tuyên bố độc lập của Tây Sahara với tên gọi Cộng hòa Ả Rập Sahrawi Dân chủ (SADR).

SADR hầu hết là một chính phủ lưu vong ở Algeria – quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Tây Sahara, nhưng chỉ kiểm soát một phần nhỏ trong số đó. SADR được 41 quốc gia thành viên LHQ và Nam Ossetia công nhận. 43 quốc gia thành viên LHQ khác đã công nhận SADR nhưng sau đó rút lại hoặc đình chỉ công nhận, trong khi chờ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết. Các nước thành viên LHQ còn lại, bao gồm cả Morocco, chưa bao giờ công nhận SADR.

SADR là một thành viên của Liên minh Châu Phi. Nghị quyết 34/37 của Đại hội đồng LHQ công nhận quyền tự quyết của người dân Tây Sahara và cũng công nhận Mặt trận Polisario là đại diện của người dân Tây Sahara. Tây Sahara được liệt kê trong danh sách Các lãnh thổ không tự quản của LHQ. Ngoài Morocco và Mỹ, không có quốc gia nào chính thức công nhận việc Morocco sáp nhập Tây Sahara. Liên đoàn Ả Rập ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Morocco đối với toàn bộ lãnh thổ Tây Sahara.

  1. Bắc Síp

Bắc Síp tuyên bố độc lập vào năm 1983 với tên chính thức là Cộng hòa Bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ (TRNC). Nó được công nhận bởi 1 thành viên LHQ là Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Tổ chức Hợp tác Kinh tế đã cấp quy chế quan sát viên cho Bắc Síp với tên gọi “Nhà nước Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nghị quyết 541 của Hội đồng Bảo an LHQ xác định tuyên bố độc lập của Bắc Síp là không có giá trị pháp lý. Tòa án Công lý Quốc tế, trong ý kiến cố vấn của mình về tuyên bố độc lập của Kosovo năm 2010, nhận định rằng nghị quyết đó của Hội đồng Bảo an không phù hợp với luật quốc tế chung.

  1. Nam Ossettia

Cộng hòa Nam Ossetia tuyên bố độc lập vào năm 1992. Nó hiện được công nhận bởi 5 quốc gia thành viên LHQ (Nga, Syria, Nicaragua, Venezuela và Nauru) và 6 quốc gia không phải thành viên LHQ (Abkhazia, Artsakh, Transnistria, Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahrawi, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk). Một quốc gia thành viên khác của LHQ (Tuvalu) đã công nhận Nam Ossetia, nhưng sau đó rút lại.

  1. Abkhazia

Tuyên bố độc lập vào năm 1999, Cộng hòa Abkhazia hiện được công nhận bởi 5 nước thành viên LHQ (Nga, Syria, Nicaragua, Venezuela và Nauru), và 5 quốc gia không phải thành viên LHQ (Nam Ossetia, Artsakh, Transnistria, Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk). Hai quốc gia thành viên khác của LHQ (Tuvalu và Vanuatu) đã công nhận Abkhazia, nhưng sau đó rút lại.

  1. Kosovo

Cộng hòa Kosovo tuyên bố độc lập vào năm 2008. Nó hiện được công nhận bởi 97 thành viên LHQ, Trung Hoa Dân Quốc, Quần đảo Cook và Niue. 15 thành viên LHQ khác từng công nhận Kosovo trước khi rút lại.

LHQ – theo quy định trong Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an – quản lý lãnh thổ này từ năm 1999 thông qua Phái đoàn Hành chính lâm thời của LHQ tại Kosovo, với sự hợp tác của Liên minh châu Âu từ năm 2008. Kosovo là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới, Ủy ban Venice, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, Ủy ban Olympic Quốc tế, và các tổ chức khác.

7, 8. Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk

Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tuyên bố độc lập sau cuộc Cách mạng Nhân phẩm, dẫn đến Chiến tranh ở Donbas. Hai quốc gia này được công nhận bởi 3 thành viên LHQ (Nga, Syria và Triều Tiên) và bởi 2 quốc gia không thuộc LHQ (Abkhazia và Nam Ossetia) cũng như công nhận lẫn nhau.