VNReport»Kinh tế»Tài chính»Lạm phát ở Anh tăng lên hai chữ số lần đầu trong 40 năm

Lạm phát ở Anh tăng lên hai chữ số lần đầu trong 40 năm

09:10 - 18/08/2022

Lạm phát ở Anh đạt 10,1% trong tháng 7 – đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên ghi nhận lạm phát 2 chữ số.

Lạm phát giá tiêu dùng ở Anh tăng lên 10,1% trong tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Dữ liệu này đưa Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên chứng kiến ​​tốc độ tăng giá 2 chữ số, khi chi phí thực phẩm cao thắt chặt ngân sách của các hộ gia đình.

Tốc độ lạm phát cao hơn mức 9,4% hàng năm của tháng 6 và vượt tất cả dự báo của các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters, đồng thời thúc đẩy giới đầu tư đặt cược Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhanh chóng.

Mặc dù đưa ra cảnh báo trong tháng này rằng nhiều khả năng xảy ra suy thoái, BoE tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% lên 1,75% – mức tăng nửa điểm đầu tiên kể từ năm 1995. Họ dự báo ​​lạm phát đạt đỉnh 13,3% vào tháng 10, khi giá năng lượng đối với hộ gia đình đến kỳ điều chỉnh.

Giá thực phẩm ở Anh tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giá thực phẩm ở Anh tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà kinh tế của Citi, Benjamin Nabarro, cho biết rằng sau số liệu mới nhất, ông dự kiến ​​lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 15% vào đầu năm tới. “Với việc Ngân hàng [Trung ương Anh] tập trung vào những dấu hiệu áp lực lạm phát dai dẳng hơn, chúng tôi cho rằng phản ứng mạnh tay là điều không thể tránh khỏi”.

Hầu hết các nhà kinh tế trong một cuộc thăm dò của Reuters đầu tuần này dự đoán BoE sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm lên 2,25% sau cuộc họp tiếp theo vào tháng 9.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 2 năm – vốn nhạy cảm với kỳ vọng lãi suất – đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Giới đầu tư đánh cược rằng lãi suất của BoE đạt đỉnh 3,75% vào khoảng tháng 3/2023, tăng so với 3,25% trước đó.

Anh không phải là trường hợp duy nhất đối mặt với tốc độ tăng giá chóng mặt, nhưng là nước đầu tiên trong nhóm 7 nền kinh tế phát triển lớn (G7) có mức lạm phát trên 10%.

Có những dấu hiệu cho thấy nước này sẽ phải vật lộn với lạm phát cao lâu hơn so với các nền kinh tế khác, bao gồm cả những nước láng giềng châu Âu, nơi giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Nhiều nhà kinh tế tin rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh sau khi giảm xuống 8,5% vào tháng 7 từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 9,1% vào tháng 6.

Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi cho biết chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của ông và chính phủ đang nghiên cứu các phương án để giảm hóa đơn năng lượng hộ gia đình.

Số liệu hôm thứ Tư của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy giá cả tăng 0,6% trong tháng 7 so với tháng 6 trên cơ sở điều chỉnh không theo mùa.

Giá thực phẩm tăng 12,6% theo năm – lớn nhất kể từ năm 2008 – là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng vọt từ tháng 6 đến tháng 7, trong khi giá năng lượng và xăng dầu cao hơn là động lực chính cho lạm phát theo năm. Đồ ăn mang đi có giá cao hơn, cũng như du lịch trọng gói.

Theo BoE, giá năng lượng tăng cao ở châu Âu là nguyên nhân chính gây ra lạm phát và có khả năng đẩy nước Anh vào một cuộc suy thoái dài nhưng có thể không sâu từ cuối năm nay.

Dữ liệu hôm thứ Ba cũng cho thấy thu nhập của người lao động sau điều chỉnh lạm phát giảm 4,1% trong 3 tháng tính đến tháng 6 – mức giảm lớn nhất kể từ khi có dữ liệu vào năm 2001.