VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Nghịch lý thị trường xuất khẩu năm 2022

Nghịch lý thị trường xuất khẩu năm 2022

11:02 - 22/08/2022

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt năm 2022 đang phải đối mặt với nghịch lý hiếm có khi đầu năm thì “thừa đơn hàng, thiếu thợ” trong khi cuối năm thì “thừa thợ nhưng lại thiếu đơn hàng”.

Đơn hàng liên tiếp sụt giảm

Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì xuất siêu hơn 1 tỷ USD, nhưng đó là kết quả của 7 tháng đầu năm. Mặc dù Covid-19 đã qua, giá xăng đã giảm, nhưng với doanh nghiệp xuất khẩu thì lại là câu chuyện khác. Tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại trong 3 tháng gần đây. Điều này cũng được phản ánh qua sự chững lại trong các đơn đặt hàng ở hầu khắp các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chỉ số quản trị mua hàng PMI trong tháng 7 đạt 51 điểm, giảm mạnh so với mức 54 điểm trong tháng 6/2022. Hiện nay, nhiều ngành nghề vốn là thế mạnh trong xuất khẩu như: dệt may, da giày, điện thoại thông minh… đã buộc phải cho lao động nghỉ luân phiên vì đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, có doanh nghiệp doanh thu và đơn hàng sụt giảm đến 90%.

Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2022, toàn ngành dệt may đã đạt được kết quả khả quan với tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2022 ước đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, từ quý II/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã phải cho công nhân nghỉ luân phiên vì thiếu đơn hàng.

Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận định, thị trường quý III và quý IV/2022 có những diễn biến bất lợi với ngành dệt may. Tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, đơn hàng giảm so với những tháng đầu năm do cầu của thị trường chịu ảnh hưởng mạnh của lạm phát. Nhiều khả năng đà tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may sẽ giảm tốc vào cuối năm 2022. Chung nhận định đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cũng dự báo năm nay là một năm nhiều biến động không lường với ngành dệt may. Nửa cuối năm nay đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp toàn ngành dệt may.

Cán cân thương mại của Việt Nam duy trì xuất siêu hơn 1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm

Với ngành da giày, ông Nguyễn Quang Vũ – Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương nhận định những tháng cuối năm, đơn hàng đang từng bước giảm dần. Một số doanh nghiệp đang phải “ăn đong” đơn hàng xuất khẩu. Đơn hàng không được dồi dào như trước, thậm chí có doanh nghiệp trong ngành đã bị hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Hiện tại, trong 3 tháng 8, 9, 10, lượng đơn hàng đã giảm 30% so với những năm trước.

Thông tin tại Hội nghị giao ban ngành gỗ quý 3/2022, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay, trong cuộc khảo sát hai tuần vừa qua, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ thừa nhận mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Đặc biệt, khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Tương tự, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang đối diện với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này được dự báo có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời gian tới. Theo bà Lê Hằng – Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, xuất khẩu giảm tốc là do tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ, đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 5 vừa qua. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3.

Những nguyên nhân căn bản dẫn tới tình trạng trên của các doanh nghiệp xuất khẩu là do cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp; lạm phát ở nhiều quốc gia đang tăng phi mã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu; dịch Covid-19 có nguy cơ tái bùng phát ở nhiều quốc gia… Theo dự báo, những tháng cuối năm sẽ tiếp tục là khoảng thời gian thử thách với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tìm giải pháp thích ứng

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phải nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết để khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là việc tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và khắc phục chuỗi đứt gãy nguyên vật liệu sản xuất.

Nhằm giúp gia tăng xuất khẩu thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phê duyệt ban hành Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương tổng hợp ý kiến góp ý các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Và trong khi chờ đợi những chính sách lớn phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp ổn đinh phát triển sản xuất, hiện các đơn vị sản xuất cũng đã và đang tự tìm hướng đi riêng, phát huy sức mạnh nội tại, thay đổi các chiến lược, cũng như thị trường kinh doanh sao cho phù hợp.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để bù đắp đơn hàng thiếu hụt, bên cạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp trong ngành bắt đầu chuyển sang khai thác thị trường Trung Đông, châu Phi. Nhiều doanh nghiệp cũng tăng cường tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu để đáp ứng sự thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc do áp dụng chính sách Zero Covid hay thậm chí là liên kết sử dụng hàng hóa của nhau nhằm đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất.

Theo khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và Forest Trends, giảm quy mô sản xuất cũng đang là giải pháp được nhiều doanh nghiệp ngành gỗ lựa chọn nhất. Cụ thể ở giải pháp này, người lao động sẽ được nghỉ ngày thứ 7, không tăng ca và chỉ làm 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần. Hoạt động sản xuất cũng sẽ được sắp xếp tinh gọn để giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Trước tình trạng giá cước vận tải tăng tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định năng lực tự chủ về logistics được coi là một trong những rào cản khá lớn. Vì vậy, tổng thể cần xây dựng được đội tàu siêu trường, siêu trọng cùng hạ tầng logistics hiện đại để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, không phụ thuộc vào đội tàu của các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần cải thiện các mô hình kinh doanh, tái sắp xếp chuỗi cung ứng đầu vào để tận dụng triệt để ưu đãi thuế quan từ các FTA và thâm nhập vào thị trường mới.

Nhìn chung, theo các chuyên gia, những tháng cuối năm 2022 được dự báo sẽ còn nhiều thách thức, tuy nhiên đây cũng được xem là phép thử dành cho các doanh nghiệp. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc tận dụng tốt thị trường, khai thác tối đa các hiệp định thương mại sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc. Điều quan trọng là từng doanh nghiệp phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp, chủ động trước các tác động không mong muốn.