VNReport»Kinh tế»Tài chính»Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất hai năm

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất hai năm

10:43 - 14/09/2022

Báo cáo lạm phát cao hơn dự kiến làm gia tăng lo ngại Fed tăng lãi suất mạnh hơn và khiến phố Wall bán tháo mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.

Phố Wall bán tháo vào thứ Ba sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ cao hơn dự kiến ​​được công bố, làm tan vỡ hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp giảm bớt kế hoạch tăng lãi suất mạnh.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.276,37 điểm, tương đương 3,9%; trong khi chỉ số Nasdaq nghiêng về lĩnh vực công nghệ giảm hơn 600 điểm, tương đương 5,2%.

Đó là ngày tệ nhất đối với chứng khoán Mỹ kể từ tháng 6/2020. Chỉ số S&P 500 giảm hơn 4% và trái phiếu, dầu và vàng cũng bị ảnh hưởng khi giới đầu tư lo lắng chờ đợi quyết định của Fed vào tuần tới về đợt tăng lãi suất mới nhất, với hầu hết họ dự báo lần tăng 0,75 điểm phần trăm thứ 3 liên tiếp.

Các thị trường phản ứng trước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất, tăng 8,3% trong tháng 8 so với một năm trước đó, giảm từ mức 8,5% trong tháng 7 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với dự báo của các nhà kinh tế.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh sau khi dữ liệu lạm phát tháng 8 được công bố. Nguồn: TradingView.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh sau khi dữ liệu lạm phát tháng 8 được công bố. Nguồn: TradingView.

Lạm phát bất ngờ cao hơn làm tăng khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh, khiến các nhà đầu tư ở phố Wall thất vọng. Thậm chí, thị trường cho rằng ngân hàng trung ương có 34% khả năng tăng lãi suất 1 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới, so với xác suất 0% ngày hôm qua. Trong khi đó, xác suất tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm giảm từ 9% xuống còn 0%, theo dữ liệu từ CME Group.

Đặc biệt, lạm phát cao trên diện rộng làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể không đạt được cái gọi là “hạ cánh mềm” – tăng lãi suất mà không đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái sâu. “Nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và người tiêu dùng tự tin vào chi tiêu của mình, thật khó để tưởng tượng một viễn cảnh mà vấn đề lạm phát tự giải quyết được”, theo Chris Zaccarelli – giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance.

Ông Zaccarelli cho biết chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn, có thể dẫn đến việc một số lượng lớn người Mỹ mất việc, nhằm kiểm soát giá cả.

“Fed gặp vấn đề tồi tệ nhất trên thế giới – đó là vấn đề chính trị, không phải vấn đề kinh tế – và cách chữa trị duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện tại là cách làm không khả thi về mặt chính trị”, ông Zaccarelli nói, cho biết thêm rằng họ sẽ hứng chịu chỉ trích nặng nề nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh vì thắt chặt chính sách tiền tệ. “Họ không chỉ sẽ phải gây ra một cuộc suy thoái, mà đó sẽ là một cuộc suy thoái sâu”.

Các nhà đầu tư trên Phố Wall đang chuẩn bị cho những đợt tăng lãi suất mạnh mà không có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai gần.

“Ngày càng rõ ràng hơn đối với những người tham gia thị trường rằng mức độ thắt chặt mà Fed thực hiện cho đến nay vẫn chưa đủ để hạ nhiệt nền kinh tế và hạ thấp lạm phát”, theo Charlie Ripley – chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allianz Investment Management. “Do đó, Fed có thể sẽ cần đưa lãi suất chính sách lên trên 4% để đạt được nhiệm vụ của họ về ổn định giá cả … Nhà đầu tư nên chuẩn bị cho lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn”.