VNReport»Kinh tế»Thách thức mới của ngành du lịch

Thách thức mới của ngành du lịch

15:11 - 26/09/2022

Sự phát triển ồ ạt của phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang khiến thị trường dư thừa nguồn cung, trong khi sức tiêu thụ lại khá ảm đạm dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn rủi ro lớn cho ngành du lịch.

Dư thừa nguồn cung khách sạn, resort

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Việt Nam mở cửa trở lại du lịch, nhiều khách sạn và resort đã ghi nhận tốc độ hồi phục ấn tượng.  Thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) cho thấy, các dự án BĐS du lịch chủ yếu tập trung tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Quốc (Kiên Giang)… với đầy đủ các loại hình như khu nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch, mô hình căn hộ du lịch, căn hộ khách sạn, du lịch lưu trú tại nhà dân bản địa, du lịch trải nghiệm nông nghiệp… không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho người dân, mang lại sức hút lớn về kinh tế cho địa phương.

Mặc dù vậy, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt thách thức khác là tình trạng dư thừa nguồn cung BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Ông Võ Quang Hoàng – Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa cho biết công suất phòng bình quân của các khách sạn, resort ở Khánh Hòa hiện dưới 30%, dịp lễ Tết có thể tăng lên 40-50%. Nhưng đến nay đã hết mùa cao điểm, các khách sạn lại “vườn không nhà trống”. Kể cả trước khi có dịch, tỷ lệ lấp đầy cũng khoảng 60-70%, đủ để sống tốt nhưng số phòng dư thừa vẫn quá lớn. Tình trạng cung vượt cầu khiến các đơn vị giảm mạnh giá phòng để cạnh tranh, kéo theo chất lượng dịch vụ đi xuống.

Ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với thách thức dư thừa nguồn cung BĐS du lịch nghỉ dưỡng

Đáng chú ý, đây không phải vấn đề của riêng Khánh Hòa. Thống kê của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho thấy toàn quốc đang có 38.000 cơ sở lưu trú, với 780.000 phòng. Tuy nhiên, số khách sạn 4-5 sao chỉ khoảng 500 cơ sở.

Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương ước tính trong 3 năm tới, nguồn cung khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các điểm đến du lịch trọng điểm ở Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm. Tuy nhiên, trong khi các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội chưa có đủ khách sạn thì những địa phương ven biển lại đang dư thừa sản phẩm nghỉ dưỡng, đặc biệt ở phân khúc 3-4 sao trở xuống.

Nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng ngành du lịch khởi sắc trở lại là bước đà tốt cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ồ ạt của các dự án có quy mô lớn, lại chủ yếu là sản phẩm nhà thương mại mặt phố đã gây nhiều khó khăn cho quá trình vận hành, cũng như việc kinh doanh cho thuê. Chưa kể, nhiều dự án cùng cạnh tranh trong một phân khúc với mô hình và sản phẩm tương tự nhau, chất lượng lại chưa được quan tâm đầu tư nhiều mà chỉ tập trung theo đuổi số lượng và cách tiếp cận có phần y hệt nhau khiến các dự án này thiếu điểm nhấn.

Trong bối cảnh này, ông Mauro Gasparotti cho rằng những khách sạn, resort đang vận hành tốt với dịch vụ được đánh giá cao sẽ không cần lo ngại. Công suất phòng thấp hơn trước đây nhưng chắc chắn sẽ phục hồi. Còn với những cơ sở có lượng phòng lên đến hàng trăm, hàng nghìn, trong khi đồ ăn thức uống ở nhà hàng, quầy bar không ấn tượng, cũng không có dịch vụ nào thú vị thì cạnh tranh về giá là bắt buộc. Tuy nhiên, đây cũng không thể là hướng đi lâu dài.

Cần bàn tay hoạch định của nhà nước

Nếu so với các nước trong khu vực, BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam đang tăng trưởng quá nhanh, song lại chưa có những biện pháp, cơ chế quản lý, khai thác sử dụng rõ ràng. Theo các chuyên gia BĐS, hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS du lịch đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, du lịch và các quy định liên quan khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Du lịch… Do đó, cần tạo dựng khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động kinh doanh BĐS du lịch trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, hiện Nhà nước đã siết chặt dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn về BĐS nghỉ dưỡng. Điều này sẽ giúp thị trường trong sạch, đỡ bát nháo, hạn chế việc lướt sóng, đầu cơ như trước đây. Tuy nhiên, nhiều điểm khó về pháp lý cho các sản phẩm BĐS du lịch vẫn chưa được tháo gỡ, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Năng lực phát triển dự án loại hình BĐS nghỉ dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là năng lực khai thác kinh doanh sản phẩm này của chủ đầu tư còn kém, nên các nhà đầu tư dù lớn hay nhỏ đều thận trọng trước khi ký hợp đồng.

Còn theo ông Võ Quang Hoàng, để phát triển thị trường BĐS du lịch bền vững, chiến lược của doanh nghiệp chỉ là một phần, cần nhất vẫn là bàn tay hoạch định của cơ quan quản lý. Trước mắt, ông Hoài cho rằng phải nhanh chóng có thị trường khách quốc tế mới để bù đắp cho lượng phòng quá lớn hiện nay. Sâu xa hơn, ông kiến nghị trong 5-10 năm tới ngành du lịch tập trung phát triển các khu vui chơi giải trí và không cấp phép triển khai các dự án lưu trú nhằm cân bằng hệ sinh thái du lịch. Nếu không sớm can thiệp, tình trạng cung vượt cầu trong ngành lưu trú sẽ không chỉ bóp nghẹt doanh nghiệp lưu trú, mà còn tác động xấu đến du lịch của từng địa phương.