VNReport»Top»10 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới

10 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới

11:18 - 27/09/2022

New York và London được đánh giá là 2 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Singapore xếp hạng cao nhất ở châu Á.

Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI) được tổng hợp bởi Z/Yen, một viện nghiên cứu ở London và Viện Phát triển Trung Quốc, xếp hạng 119 thành phố sử dụng 66.121 đánh giá từ 11.038 chuyên gia tài chính, cùng với dữ liệu định lượng.

Bảng xếp hạng năm nay tiếp tục ghi nhận New York và London ở 2 vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, Singapore vượt qua Hong Kong để lên vị trí thứ 3 và đứng đầu châu Á.

  1. New York

New York được đánh giá là trung tâm tài chính số một thế giới, đã giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng của GFCI 4 năm liên tiếp.

Thành phố là trung tâm của ngành công nghiệp tài chính Mỹ, với các doanh nghiệp hàng đầu tập trung tại Phố Wall ở Khu Tài chính. Đây là nơi có 2 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới: NYSE và Nasdaq. Lĩnh vực tài chính của New York đứng đầu thế giới về giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, quản lý quỹ, sáp nhập và mua lại … Thành phố cũng đứng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) theo xếp hạng của GFCI

  1. London

London là thành phố gần đây nhất ngoài New York đứng đầu bảng xếp hạng trung tâm tài chính thế giới vào năm 2018. Trong 4 năm qua, thủ đô của nước Anh xếp thứ hai.

Lĩnh vực tài chính có lịch sử lâu đời ở London, phát triển từ thế kỷ 18 và ghi nhận thành phố vượt qua Amsterdam để trở thành trung tâm tài chính dẫn đầu thế giới vào thế kỷ 19. Khu Tài chính của London nằm trong khu vực lõi lịch sử của thành phố. London hiện có nhiều ngân hàng nước ngoài hơn bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, và là trung tâm số một về giao dịch tiền tệ.

  1. Singapore

Singapore có bước tiến lớn nhất về thứ hạng trong danh sách này, tăng 3 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái, vượt qua Hong Kong để trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

Với môi trường đầu tư hấp dẫn cùng với nền tảng chính trị ổn định và mang tính hỗ trợ, quốc đảo này thu hút nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính và tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài. Các ngân hàng trong nước cũng có khả năng cung cấp dịch vụ ngân hàng tổ chức ở đẳng cấp thế giới.

  1. Hong Kong

Hong Kong rơi 1 bậc từ vị trí thứ 3 xuống thứ 4 trong bảng xếp hạng năm 2022. Từ những năm 1990, Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, chuyển dịch thành công từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ.

Hong Kong có hệ thống ngân hàng lành mạnh, gần như không có nợ công và hệ thống pháp luật mạnh. Có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong là địa điểm niêm yết yêu thích của nhiều doanh nghiệp đại lục.

  1. San Francisco

San Francisco tăng 2 bậc so với năm ngoái lên vị trí thứ 5, một phần nhờ vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng fintech, chỉ sau New York.

Đây là thành phố là trung tâm tài chính hàng đầu ở bờ tây nước Mỹ kể từ thế kỷ 20, nơi đặt trụ sở của ngân hàng Wells Farrgo và là nơi sáng lập Bank of America. Nhiều tổ chức tài chính lớn và ngân hàng đa quốc gia có trụ sở khu vực ở San Francisco. Đặc biệt, ngành đầu tư mạo hiểm ở đây đang phát triển rất mạnh nhờ ở gần với Thung lũng Silicon – trung tâm công nghệ của Mỹ.

  1. Thượng Hải

Thượng Hải là trung tâm tài chính hàng đầu ở Trung Quốc đại lục, mặc dù giảm 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu năm nay xuống vị trí thứ 6.

Thành phố này từng là một trung tâm tài chính lớn ở châu Á những năm 1930. Từ năm 1949, ảnh hưởng toàn cầu của thành phố giảm mạnh khi Trung Quốc chỉ giao thương với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Đến những năm 1990, tài chính và đầu tư quốc tế trở lại. Hiện nay, Thượng Hải sở hữu Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải – sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất Trung Quốc tính theo tổng giá trị vốn hóa.

  1. Los Angeles

Cũng giống như San Francisco, Los Angles – một thành phố khác ở bang California – chứng kiến ngành tài chính phát triển mạnh trong những năm gần đây một phần nhờ ở gần Thung lũng Silicon. Điều đó được thể hiện qua việc lĩnh vực fintech của thành phố này đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau New York và San Francisco.

Thành phố là nơi tập trung của nhiều ngân hàng, hãng luật và doanh nghiệp bất động sản, tập trung ở một khu vực gọi là Khu Tài chính.

  1. Bắc Kinh

Bắc Kinh được đánh giá là trung tâm tài chính lớn thứ hai Trung Quốc đại lục sau Thượng Hải. Đây là trụ sở của 4 ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo tổng tài sản – đều là các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước lớn khác của Trung Quốc đều có trụ sở ở đây.

Phố Tài chính của Thượng Hải là nơi tập trung những trụ sở ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn. Gần đó cũng có những cơ quan quản lý tài chính của đất nước như ngân hàng trung ương, ủy ban ngân hàng, ủy ban chứng khoán, cơ quan điều tiết ngoại hối.

  1. Thâm Quyến

Thâm Quyến là trung tâm tài chính thứ ba của Trung Quốc đại lục có tên trong top 10. Đây là khu kinh tế đặc biệt đầu tiên của Trung Quốc do vị trí gần với Hong Kong, thu hút đầu tư nước ngoài và lao động nhập cư. Nền kinh tế của thành phố bùng nổ trong 30 năm qua khi nó trở thành trung tâm công nghệ, thương mại và tài chính.

Thâm Quyến là nơi đặt trụ sở của một số ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn của Trung Quốc, cũng như có nhiều văn phòng của các ngân hàng đa quốc gia lớn. Thành phố cũng có Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến – một trong hai sàn chứng khoán lớn nhất Trung Quốc.

  1. Paris

Paris trở lại top 10 năm nay, thay thế cho Tokyo, và là trung tâm tài chính thứ 2 ở châu Âu sau London. Thủ đô của Pháp có lịch sử là trung tâm tài chính của châu Âu lục địa từ thế kỷ 18.

Lĩnh vực tài chính của Paris tập trung vào các quận trung tâm thành phố, là lĩnh vực chiếm tỷ lệ lao động nhiều nhất ở những khu vực này. Thành phố là nơi đặt trụ sở của các ngân hàng lớn của Pháp như BNP Paribas hay Société Générale.