VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Mỹ nguy cơ thiếu khí đốt

Mỹ nguy cơ thiếu khí đốt

17:07 - 27/09/2022

Ngành công nghiệp năng lượng Mỹ đang phải gồng mình giải “cơn khát” nhiên liệu ở châu Âu đồng thời phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở trong nước.

Mùa hè nóng hơn dự kiến ​​và thiếu các nguồn năng lượng thay thế đã khiến lượng dự trữ khí đốt của Mỹ ở dưới mức trung bình theo mùa. Trong khi đó, lưu lượng khí đốt dự trữ của Mỹ không có dấu hiệu cải thiện. Phân tích từ Reuters cho thấy việc khai thác lưu vực đá phiến khác tại Permi (đóng góp khoảng 12% tổng sản lượng khí đốt của Mỹ) và các giàn khoan ở đây đã giảm năng suất khai thác trong hai tuần liên tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc lượng khí bổ sung vào tổng lượng khí đốt quốc gia của Mỹ sẽ ít hơn.

Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ đang xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu với tốc độ kỷ lục. Trước bối cảnh này, tại Mỹ đã xuất hiện nhiều yêu cầu giảm nguồn cung đó để đảm bảo đủ khí đốt cho thị trường nội địa.

Mỹ đang nỗ lực giải cứu nhiên liệu cho châu Âu

Trước đó, khi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường trừng phạt Nga, Mỹ cam kết với các nhà lãnh đạo trong khối về việc sẽ có đủ khí đốt cho mùa đông. Nhằm đáp ứng nhu cầu của châu Âu, Mỹ đã thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ đã củng cố vị trí là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022. Ước tính, xuất khẩu LNG trung bình hàng ngày của Mỹ tăng 12% trong 6 tháng qua, lên tới hơn 317 triệu m3 mỗi ngày.

Theo đó, Anh và EU đã thay châu Á trở thành đối tác nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ, chiếm tới 71% lượng xuất khẩu của nước này. Điều này khiến các quốc gia nghèo hơn như Brazil hoặc Bangladesh không thể cạnh tranh với châu Âu ở mức giá hiện tại. Một số nhà xuất khẩu thậm chí đã phá vỡ hợp đồng với các nước nghèo để chuyển hướng nhiên liệu sang châu Âu nhằm thu về lợi nhuận cao hơn, bất chấp các hình phạt.

Tuy nhiên, vấn đề năng lực ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương cũng đang hạn chế khả năng đóng vai “siêu anh hùng” của Mỹ. Ngành công nghiệp năng lượng nước này đã đạt công suất tối đa. Ngoài ra, do phụ thuộc vào các đường ống từ Nga, phần lớn châu Âu thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp cho nhập khẩu khí đốt từ những nguồn khác, ngay cả khi Mỹ có thể xuất khẩu nhiều LNG hơn.

Trong ngắn hạn, xuất khẩu LNG của Mỹ dự kiến cũng sẽ giảm đáng kể do vụ nổ hồi đầu tháng 6 tại cơ sở LNG Freeport ở vùng vịnh phía nam nước này. Ngoài những hạn chế về năng lực, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ cũng phản đối các mức giá cao hơn bắt nguồn từ việc tăng xuất khẩu LNG của Mỹ.

Khí đốt của Mỹ cũng đang vấp phải sự phản đối cả ở trong nước và quốc tế trên mặt trận khí hậu. Việc mở rộng cơ sở hạ tầng LNG cần thiết để tăng xuất khẩu của Mỹ đồng nghĩa với việc thay đổi các mục tiêu giảm phát thải nhiên liệu hóa thạch hiện có. Tuy nhiên, bất chấp các rủi ro khí hậu, EU đã đưa khí đốt tự nhiên vào danh sách các khoản đầu tư bền vững và các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ đã ký một loạt hợp đồng để đáp ứng nhu cầu của họ dù trước đây châu lục này tập trung cho việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và bền vững.