VNReport»Kinh tế»Dư địa lớn cho xuất khẩu nông sản hữu cơ

Dư địa lớn cho xuất khẩu nông sản hữu cơ

17:03 - 29/09/2022

Mặc dù triển vọng xuất khẩu cho nông sản hữu cơ là rất lớn song các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa bắt kịp những cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu ngành hàng này.

Triển vọng tăng trưởng tích cực

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường sản phẩm nông sản hữu cơ toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, từ chỉ đạt 18 tỷ USD vào năm 2000 đã tăng lên 188 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Trong đó, Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Các khu vực khác, đặc biệt là châu Á, ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng và tăng trưởng nhanh.

Riêng với Việt Nam, hiện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới với kim ngạch 335 triệu USD/năm. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17.000 đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu…Tuy nhiên những con số này vẫn còn khiêm tốn.

Nhu cầu nông sản hữu cơ toàn cầu đang tăng mạnh

Chia sẻ tại Diễn đàn ‘Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến’ diễn ra ngày 28/9, ông Phạm Minh Đức – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, thị trường nông sản hữu cơ ở Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển qua từng giai đoạn. Từ chỗ chỉ mua hàng về đóng gói cho doanh nghiệp châu Âu giai đoạn năm 2000 – 2010 thì từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thực sự làm chủ. Một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk hay TH bắt đầu chuyển một phần sản phẩm sang làm hữu cơ. Dù vậy, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhỏ, khó xâm nhập thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Tuy nhiên gần đây, thị trường đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tại thị trường Hoa Kỳ, đến nay đã có 164 doanh nghiệp với 200 sản phẩm đang có chứng nhận USDA của Hoa Kỳ. Tại Australia doanh số bán lẻ nông sản hữu cơ cũng đã tăng lên hơn 2,5 tỷ đô la (AUD)/năm. Trong đó, gạo là mặt hàng có cơ hội tốt nhất nhờ nhu cầu gạo hữu cơ vượt xa nguồn cung. Các mặt hàng cá, tôm, các loại thảo mộc và gia vị khô như húng quế, quế… cũng có triển vọng phát triển tốt tại thị trường này.

Theo TS. Nguyễn Văn Kiền – Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics, hiện tại qua quan sát tại các kênh siêu thị, nhà hàng, các cửa hàng bán buôn cho thấy hàng hữu cơ có nguồn gốc từ Việt Nam đang dần thâm nhập vào thị trường Australia. Đó là những tín hiệu tốt để tiếp tục giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đến người tiêu dùng Australia.

Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường này đạt 45 tỷ Eur. Thị trường hữu cơ EU cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao 8,0%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng châu Âu ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm hữu cơ. Tính theo đầu người, chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm hữu cơ đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Ngoài ra, thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu dự kiến cũng sẽ tăng từ 227,19 tỷ USD vào năm 2021 lên 259,06 tỷ USD vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 14,0%. Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ vẫn còn rất rộng mở.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhận định, doanh số bán sản phẩm hữu cơ đang tăng mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, thị trường này vẫn gặp nhiều thách thức ở phía trước.

Cụ thể, người tiêu dùng đang thay đổi hành vi, với lối sống thuần chay và ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Một nghiên cứu của Boston Consulting Group và Blue Horizon Corporation dự báo thị trường thực phẩm thay thế cho thịt, trứng, sữa và hải sản sẽ đạt 290 tỷ USD vào năm 2035. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu về thực phẩm hữu cơ có nguồn gốc động vật. Mặt khác, nguồn cung sản phẩm hữu cơ thiếu hụt và giá thành tăng cao có thể sẽ dẫn đến các vụ gian lận, các loại thực phẩm thông thường cũng được dán nhãn giả hữu cơ.

Ngoài ra, ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Hồng Quân – Phó Chủ tịch HĐQT Vinamit cho biết các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn hữu cơ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và EU là một thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam. Các mẫu đất, mẫu nước, mẫu phân bón hữu cơ và tất cả đầu vào của nông nghiệp hữu cơ đều được đánh giá kiểm tra một cách gắt gao, nghiêm ngặt.

Thực tế cho thấy đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ tiêu dùng, sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm sạch, hữu cơ và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây là sản phẩm có phân khúc đặc thù về nhu cầu thị trường, giá trị định vị thương hiệu. Do vậy, để ngành hàng này đi xa hơn và có quy mô lớn hơn đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía. Trong đó, điều quan trọng là truy xuất nguồn gốc, minh bạch hóa và số hóa sản phẩm hữu cơ.

Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, nút thắt trong phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay nổi lên 4 vấn đề: Thiếu lòng tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân; khai thác tài nguyên đến mức cạn kiệt; ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, sức khỏe người sản xuất; sức khỏe người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi. Chỉ khi nào giải quyết được những vấn đề này thì nông nghiệp hữu cơ mới có thể coi là thực sự thành công.