VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Doanh nghiệp cần lên sẵn kịch bản ứng phó suy thoái

Doanh nghiệp cần lên sẵn kịch bản ứng phó suy thoái

16:20 - 03/10/2022

Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp cần có 2 kịch bản để sẵn sàng ứng phó với suy thoái toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 276 tỷ USD. Cán cân thương mại xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Những con số trên nói lên nền kinh tế trong 9 tháng qua có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, ngành xuất nhập khẩu đang đối diện với loạt khó khăn, thách thức. Đó là hệ lụy của dịch Covid-19; khủng hoảng Nga-Ukraine; Fed và ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất với mức cao làm cho đồng USD tăng giá rất mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, giá trị đồng tiền Việt Nam.

Động thái tăng lãi suất nêu trên cũng sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam, với 70% kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa được thực hiện bằng đồng USD, các thị trường xuất khẩu lớn có xu hướng bị thu hẹp. Hiện trên một số lĩnh vực, đơn hàng xuất khẩu đã giảm so với trước. Bên cạnh đó, kinh tế nước ta phụ thuộc khá lớn vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất, gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy (giá đầu vào tăng gây áp lực lên giá thành) do nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế.

Việc cắt giảm chi tiêu từ các thị trường nhập khẩu chính cũng đang tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu đã có dấu hiệu lâm vào khó khăn. Tình trạng giảm đơn hàng, hàng tồn kho tăng lên, doanh nghiệp không có đơn hàng mới và dự báo tình trạng này sẽ nặng thêm cho đến hết năm 2023.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, trong khoảng 3 năm từ 2019-2021 gần đây, kinh tế Việt Nam chủ yếu đi “một chân” – phụ thuộc xuất khẩu. Và khi các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng gặp ngay vấn đề lớn. Khi đơn hàng xuất khẩu giảm thì công ăn việc làm, thu nhập của người lao động bị cắt giảm, tiêu dùng sụt giảm.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển

Trên thực tế, tình trạng giảm đơn hàng cũng đã xuất hiện vào giai đoạn tháng 4-5, khi giá dầu thế giới tăng rất cao và áp lực chi phí năng lượng khiến doanh nghiệp phải giảm công suất. Đó cũng là thời điểm cao trào của chiến tranh Nga-Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng mới. Do đó, nguy cơ về việc thiếu hụt đơn hàng, giảm việc làm theo “độ trễ” 3-6 tháng ngay lúc này mới bộc lộ rõ.

Trên cơ sở đó, theo TS. Đinh Thế Hiển, Chính phủ đã và đang có những chương trình hỗ trợ, lớn nhất là chương trình phục hồi và phát triển sản xuất, kinh tế 2022-2023. Trong ngắn hạn, Chính phủ sẽ tiếp tục và cần thúc đẩy giải ngân sớm hơn, hiệu quả, nhanh hơn. Trong đó, các chương trình cắt giảm giãn hoãn các loại thuế, phí như đất đai… nên được xem xét kéo dài đến hết 2023.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng gần đây, Chính phủ đang xem xét về vấn đề giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, hay đang có kiến nghị miễn hoàn toàn thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu… Đây là các chính sách rất cần sớm được cân nhắc triển khai nhằm hạ giá thành năng lượng hơn nữa. Song song với đó, cần hỗ trợ trực tiếp để kích thích tiêu dùng, đầu tư, nâng cao sức cầu theo chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi 2% lẫn mở rộng hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp đến người dân.

Về phía doanh nghiệp, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng doanh nghiệp phải đặt mục tiêu trọng tâm giữ được đơn hàng, giữ được khách hàng, giữ được dòng tiền không đứt đoạn. “Còn thị trường thì còn sản xuất, công nhân còn có công ăn việc làm, doanh nghiệp còn cơ hội tăng tốc khi phục hồi. Như vậy phải chấp nhận đàm phán với khách hàng, giảm giá tăng đơn hàng, cầm cự. Trong quản trị tài chính, cần giảm mọi chi phí đầu tư mở rộng để cấu trúc dòng tiền an toàn nhất. Áp dụng công nghệ để quản lý khép kín chuỗi sản xuất tránh tồn kho cao.” – Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Hiển, doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thể quay về sân nhà, giảm tải tồn kho một phần với liên kết các nhà phân phối nội địa, sử dụng thương mại điện tử, bán hàng có niêm yết giá thành xuất khẩu và giá thành khuyến mãi bán nội địa… Cuối cùng, doanh nghiệp tùy thuộc đặc thù riêng mà xây dựng 2 kịch bản từ nay đến hết 2023 là: Các thị trường không suy thoái và các thị trường suy thoái. Các giải pháp quản trị cần bám sát theo 2 kịch bản và theo dõi mọi biến động để chủ động ứng phó.