VNReport»Top»5 vụ bắt giữ doanh nhân từ đầu năm 2022

5 vụ bắt giữ doanh nhân từ đầu năm 2022

17:17 - 10/10/2022

Hầu hết các vụ việc này liên quan đến những vi phạm về giao dịch chứng khoán hoặc trái phiếu.

Vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – gần đây là vụ việc mới nhất trong năm nay đối với một doanh nhân nổi tiếng. Hầu hết những vụ bắt giữ này liên quan đến những vi phạm về chứng khoán hoặc trái phiếu, trong bối cảnh vào tháng 4 năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi làm trong sạch thị trường vốn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

  1. Nguyễn Phương Hằng

Ngày 24/3, Công an TP HCM khởi tố và bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam. Bà Hằng bị cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Vào năm 2021, bà Hằng đã tổ chức những buổi phát sóng trực tiếp chỉ trích, tố cáo những nhân vật như ông Võ Hoàng Yên – một người hành nghề khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. Bà cũng chỉ trích Hoài Linh – người bị tố cáo ăn chặn 14 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện cho người dân miền Trung chịu ảnh hưởng từ đợt lũ năm 2020 – và một số nghệ sĩ khác.

Công an TP HCM nói rằng bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của mình và mạng xã hội để tổ chức những buổi phát trực tiếp thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó sử dụng từ ngữ nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Ngày 18/8, Công an TP HCM đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố truy tố bà Hằng.

  1. Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC – bị bắt vào tối ngày 29/3 vì cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Cơ quan điều tra xác định ông Quyết đã vi phạm pháp luật với hành vi thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. Một trong những hành động vi phạm này xảy ra vào ngày 10/1, khi ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin theo nghĩa vụ của người nội bộ.

Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục khởi tố 2 em gái ông Quyết và 2 nhân vật lãnh đạo khác của FLC để làm rõ vai trò đồng phạm của họ trong vụ việc. Khoản lợi bất chính mà các bị cáo thu về được Bộ Công an ước tính là 975 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 25/8, ông Quyết cùng 2 em gái và 1 cựu lãnh đạo FLC tiếp tục bị khởi tố vì cáo buộc nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, chiếm đoạt tổng số tiền ước tính hơn 6.400 tỷ đồng.

  1. Đỗ Anh Dũng

Không lâu sau vụ bắt ông Trịnh Văn Quyết, thị trường chứng khoán và bất động sản lại một lần nữa chấn động khi ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh – bị khởi tố vào ngày 5/4 vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, ông Dũng và 6 bị can khác tại Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng các công ty thành viên để phát hành 9 đợt trái phiếu bất hợp pháp với tổng trị giá 10.300 tỷ đồng. Số tiền mà Tân Hoàng Minh thu được từ những lô trái phiếu này không được sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Những lô trái phiếu này đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy bỏ.

Tháng 12/2021, Tân Hoàng Minh gây chấn động thị trường bất động sản sau khi một công ty con của tập đoàn này trúng đấu giá một lô đất ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng, tương đương 2,45 tỷ đồng/m2 – mức giá cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, ông Dũng tuyên bố bỏ cọc lô đất đó.

  1. Đỗ Thành Nhân

Ngày 20/4, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố vụ án “thao túng thị trường chứng khoán” tại Công ty cổ phần Louis Holdings và Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt. Theo đó, ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch HĐQT Louis Holdings, ông Đỗ Đức Nam – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt, và 2 người khác bị bắt tạm giam.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Nhân đã thông đồng với ông Nam và một số người khác sử dụng nhiều tải khoản giao dịch chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital, BII của Công ty cổ phần Louis Land, và các mã chứng khoán khác, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Năm 2021, Louis Holdings mua lại nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành khác nhau, tạo hệ thống cổ phiếu “họ Louis”. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này tăng mạnh hàng chục lần trong năm ngoái, với đỉnh điểm vào tháng 9/2021. Sau đó, chúng đều lao dốc mạnh, giảm sàn nhiều phiên liên tiếp khiến nhà đầu tư thiệt hại nặng.

  1. Trương Mỹ Lan

Bà Trương Mỹ Lan – một đại gia trong ngành bất động sản – vừa bị bắt vào ngày 8/10 với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các đơn vị có liên quan. Bà Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (công ty mẹ của An Đông), bị khởi tố cùng với 3 người khác cũng có liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Cơ quan điều tra cho biết các bị can đã có hành vi gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng vào giai đoạn năm 2018-2019. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cho biết có những bất thường trong việc Vạn Thịnh Phát mua lại một số khu đất thuộc sở hữu nhà nước tại các vị trí đắc địa ở trung tâm TP HCM.

Danh mục dự án của Vạn Thịnh Phát nổi bật nhất là tòa nhà Times Square có 2 mặt tiền ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, Quận 1, TP HCM. Tập đoàn này cũng nắm trực tiếp hoặc gián tiếp nhiều cao ốc khác dọc theo đường Nguyễn Huệ.