VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»EU lên kế hoạch tịch thu tài sản của Nga

EU lên kế hoạch tịch thu tài sản của Nga

14:52 - 26/10/2022

Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga thay vì chỉ đóng băng chúng.

Tại Hội nghị về tái thiết Ukraine được tổ chức ở Berlin (Đức) ngày 25/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang tìm cách tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga thay vì chỉ đóng băng chúng. Tuy nhiên, liên minh này vẫn chưa thiết lập cơ sở pháp lý để hành động như vậy.

Theo bà Ursula von der Leyen, EU đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm bao gồm nhiều chuyên gia quốc tế khác nhau không chỉ để xem xét những tài sản nào đã bị đóng băng mà còn cân nhắc các điều kiện pháp lý để thu giữ tài sản của Nga và sử dụng chúng cho việc tái thiết Ukraine.

EU đang tìm cách tịch thu hoàn toàn tài sản của Nga để tái thiết Ukraine

Các quan chức phương Tây từng nhiều lần bày tỏ mong muốn tịch thu tài sản của Nga để phục vụ cho Ukraine. Trong bài phát biểu ngày 21/10, Chủ tịch EC cho biết EU đang tìm cách hỗ trợ Ukraine khoảng 1,5 tỷ euro (1,46 tỷ USD) mỗi tháng, dự kiến chi tổng cộng 18 tỷ euro (17,7 tỷ USD) cho năm tới.

Trước đó, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã đóng băng tài sản của các doanh nhân và công ty Nga cùng với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, như một phần của các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Theo Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng xác nhận tài sản của Nga đã bị phong tỏa nhưng không bị tịch thu hay trưng dụng.

Về mặt pháp lý, số tài sản bị đóng băng này vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Hiện tại, nếu muốn sử dụng khối tài sản gần 300 tỷ USD này, EU cần tìm cách tịch thu chúng. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của Mỹ từng cảnh báo rằng việc sử dụng những khoản tiền đó cho Ukraine có thể là bất hợp pháp. Trong một hội nghị về tái thiết Ukraine vào tháng 7 vừa qua, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis cũng đã phản đối động thái này và cho rằng nó sẽ thiết lập một tiền lệ nguy hiểm.

Giới tài chính Mỹ cũng cho rằng tài sản của Nga bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt, nhưng không thể được sử dụng vì quyền sở hữu vẫn thuộc về Nga. Nếu không, một tiền lệ bất hợp pháp sẽ được tạo ra có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống quan hệ tài chính. Điều này sẽ làm tăng rủi ro khi đầu tư trên thế giới và làm suy yếu hoạt động đầu tư.

Về phía Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov chỉ trích mạnh mẽ hành động này của EU và cho rằng việc đóng băng tài sản về cơ bản cấu thành hành vi đánh cắp, bất hợp pháp.

Đến thời điểm hiện tại, EU đã tung ra 8 gói trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của EU dù tác động tới nền kinh tế Nga nhưng cũng là “con dao hai lưỡi” có thể gây ảnh hưởng ngược lại đối với chính EU. Một số biện pháp trừng phạt thậm chí có nguy cơ gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn là Nga.

Mặt khác, việc mở rộng các lệnh trừng phạt Nga cũng tạo ra rủi ro với sự thống nhất của EU. Nhiều đề xuất trừng phạt không đạt được sự đồng thuận cao từ các nước thành viên trong khối. Tuy nhiên, bất chấp cuộc khủng hoảng năng lượng cùng nhiều vấn đề khác, châu Âu vẫn tiếp tục thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm cả việc áp dụng giới hạn giá dầu và khí đốt.