VNReport»Kinh tế»Xu hướng quay lại khai thác thị trường nội địa của doanh nghiệp Việt

Xu hướng quay lại khai thác thị trường nội địa của doanh nghiệp Việt

14:25 - 16/11/2022

Quay lại khai thác thị trường nội địa là xu hướng tất yếu giúp nhiều doanh nghiệp ổn định sản xuất khi thị trường xuất khẩu hàng hoá gặp nhiều biến động.

Báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng sản xuất Việt Nam (PMI) tháng 10/2022 do S&P Global công bố cho thấy, bức tranh kém sắc của ngành sản xuất, xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh. Lạm phát tăng cao ở hầu hết thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU đang ảnh hưởng đến tiêu dùng những mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, điện tử, nhựa và sản phẩm nhựa…

Theo ông Andrew Harker – Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, dữ liệu PMI tháng 10 cho thấy những dấu hiệu về tình trạng suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam, khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều kém nhất trong 13 tháng.

Dệt may đang đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm mạnh

Phía Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) mới đây cũng xác nhận, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh. Cụ thể, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỉ USD và mục tiêu 16 tỉ USD trong năm 2022 sẽ khó chạm đến khi đơn hàng liên tục giảm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Khanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Da giày TP HCM thông tin cho biết các đơn hàng vào EU thời gian qua sụt giảm mạnh. Bình thường, quý IV mọi năm là mùa cao điểm mua sắm, tiêu dùng nhưng năm nay lại khác, đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành đang sụt giảm mạnh. Đối phó với tình hình khó khăn hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu da giày đã phải cho công nhân nghỉ Tết sớm, có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, hoặc cho công nhân nghỉ ngày thứ Bảy… Tùy mức độ ảnh hưởng khác nhau mà quy mô cắt giảm nhân sự hoặc cắt giảm công suất của mỗi công ty khác nhau.

Bộ Công Thương mới đây cũng vừa đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm 2022, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tăng cao khiến người dân toàn cầu đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm…

Trước thực trạng đơn hàng suy giảm, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) định hướng, giải pháp đầu tiên của doanh nghiệp là thay đổi kết cấu thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp và Vitas đang nỗ lực khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là một hướng đi mới của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang liên tục có động thái điều chỉnh sản xuất, khai thác và tận dụng triệt để thị trường trong nước.

Bàn về vấn đề khai thác thị trường nội địa, ông Hoàng Văn Linh – Tổng Giám đốc Aligro nhận định, trải qua đại dịch Covid-19, xu hướng người Việt dùng hàng Việt Nam càng được thấy rõ hơn, góp phần rất lớn giúp doanh nghiệp dệt may cũng như nhiều doanh nghiệp ngành xuất khẩu khác vượt qua khó khăn dịch bệnh. Khi những sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu vì dịch bệnh thì chính thị trường nước nhà, người dân Việt Nam là “cứu cánh”.  Do đó, thị trường tiềm năng trong nước là rất lớn và không thể bỏ qua.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng tăng trên 20% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa là điểm tựa cho tất cả doanh nghiệp trước những biến động thế giới. Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần có những giải pháp đồng bộ theo dõi sát diễn biến, cung cầu giá cả các mặt hàng để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, đặc biệt là ổn định giá cả và lưu thông hàng hóa trong cao điểm cuối năm.

Tuy nhiên, khó khăn và rào cản vẫn hiện hữu khi quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ. Theo ông Nguyễn Liêm – Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt, việc quay về thị trường nội địa là giải pháp ngắn hạn và không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được bởi thị hiếu tiêu dùng nội địa khác thị trường xuất khẩu, dây chuyền sản xuất cho hàng xuất khẩu cũng có sự khác biệt với các đơn hàng nội địa.

“Nhu cầu thị trường nội đia tuy lớn nhưng sản phẩm nhỏ lẻ, thị hiếu mỗi người khác nhau nên khi chuyển về thị trường nội địa không thể “một sớm một chiều” là làm ngay được”, Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt chia sẻ, đồng thời cho hay với riêng doanh nghiệp, giải pháp lúc này là thuyết phục khách hàng duy trì đơn hàng, dù sụt giảm nhưng vẫn thực hiện để giữ chân người lao động và nhà máy hoạt động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tìm thêm khách hàng tại các hội chợ trong và ngoài nước, ký kết các đơn hàng dù nhỏ lẻ và nhu cầu khác nhau nhưng doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận trong giai đoạn này. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải linh hoạt tận dụng rất tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại đã có để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá cuối năm.