VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Saudi Arabia bác thông tin OPEC+ dự định tăng sản lượng

Saudi Arabia bác thông tin OPEC+ dự định tăng sản lượng

10:01 - 22/11/2022

Một số báo đưa tin rằng OPEC+ cân nhắc tăng sản lượng lên tới 500.000 thùng ngày trong cuộc họp vào ngày 4/12. Thông tin này bị Ả Rập Xê Út bác bỏ, thậm chí cho biết có khả năng nhóm sẽ giảm sản lượng.

Ả Rập Xê Út bác bỏ tin tức về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh – gọi chung là OPEC+ – đang cân nhắc tăng sản lượng ngay trước khi những hạn chế với dầu thô Nga của phương Tây bắt đầu có hiệu lực.

Theo tờ Wall Street Journal và một số tổ chức khác đưa tin vào thứ Hai, các đại biểu của OPEC+ nói rằng nhóm đang thảo luận về khả năng tăng sản lượng lên tới 500.000 thùng/ngày trong cuộc họp vào ngày 4/12 tới. Động thái này có thể diễn ra một ngày trước khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cấm vận dầu của Nga và nhóm G7 tung ra trần giá đối với dầu thô của Nga, có khả năng làm giảm đáng kể nguồn cung của Moscow ra thị trường.

Sau khi xuất hiện tin tức trên, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman bác bỏ những báo cáo, thậm chí nói rằng có khả năng nhóm sẽ giảm sản lượng.

Nếu việc tăng sản lượng được thực hiện, điều đó sẽ đánh dấu sự đảo ngược một phần quyết định vào tháng trước về việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày tại cuộc họp gần đây nhất của OPEC+. Việc cắt giảm này làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn cuộc chiến của Nga ở Ukraine, theo Nhà Trắng. Nó cũng được cho là sự xúc phạm đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden – người đã đến thăm Ả Rập Xê Út vào tháng 7 để cố hàn gắn mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước liên quan đến sản lượng dầu mỏ.

OPEC+ tổ chức họp vào tháng 12 ngay trước khi các hạn chế của phương Tây với dầu thô Nga đi vào hiệu lực.

OPEC+ tổ chức họp vào tháng 12 ngay trước khi các hạn chế của phương Tây với dầu thô Nga đi vào hiệu lực.

Đây là thời điểm bất thường để OPEC+ xem xét tăng sản lượng, khi giá dầu toàn cầu giảm hơn 10% kể từ tuần đầu tiên của tháng 11. Giá dầu giảm 5% sau thông tin về khả năng tăng sản lượng, nhưng sau đó hồi phục một phần nhờ bình luận của Hoàng tử Abdulaziz. Dầu thô Brent giao dịch ở mức 86,25 USD/thùng vào cuối phiên thứ Hai, giảm hơn 1%.

Các đại biểu nói rằng việc tăng sản lượng nhằm phù hợp kỳ vọng mức tiêu thụ dầu sẽ tăng vào mùa đông như mọi năm. Nhu cầu dầu dự kiến ​​tăng 1,69 triệu thùng/ngày lên 101,3 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm tới, so với mức trung bình năm 2022.

OPEC và các đồng minh cho biết họ đã nghiên cứu cẩn thận kế hoạch của G7 nhằm áp đặt giá trần đối với dầu của Nga. Trong những cuộc thảo luận riêng, họ coi động thái này của các nước tiêu thụ dầu là một mối đe dọa. Nga từng tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất kỳ nước nào tham gia vào kế hoạch trần giá, có khả năng làm giảm sản lượng dầu của Moscow – một trong 3 nước sản xuất lớn nhất thế giới. Tháng trước, Hoàng tử Abdulaziz cho biết rằng vương quốc của ông sẽ “cung cấp dầu cho tất cả những ai cần nó từ chúng tôi”, khi trả lời một câu hỏi về khả năng thiếu dầu của Nga.

Nếu OPEC+ thảo luận về khả năng tăng sản lượng, nhiều khả năng sẽ có mâu thuẫn giữa 2 thành viên lớn của nhóm là Ả Rập Xê Út và Nga. Liên minh giữa 2 nước này không quá chặt chẽ, và họ đã từng có xung đột trước đây.

Các quan chức Ả Rập Xê Út khẳng định rằng quyết định giảm sản lượng của họ vào tháng trước không nhằm hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Thay vào đó, họ nói rằng việc cắt giảm nhằm đón đầu nhu cầu dầu đang giảm sút do nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại.

Ngoài Ả Rập Xê Út, 2 thành viên lớn khác của OPEC là Iraq và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) muốn bơm thêm dầu, theo các đại biểu OPEC. Họ cho biết cả 2 nước đang thúc đẩy nhóm cho phép mức trần sản lượng hàng ngày cao hơn, có thể dẫn đến sản lượng dầu nhiều hơn.

Theo hệ thống hạn ngạch phức tạp của OPEC, UAE có nghĩa vụ giữ sản lượng dầu thô của mình không quá 3,018 triệu thùng/ngày. Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi thuộc sở hữu nhà nước – sản xuất phần lớn dầu của UAE – có công suất 4,45 triệu thùng/ngày và lên kế hoạch đẩy nhanh mục tiêu đạt công suất 5 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Abu Dhabi từ lâu đã thúc đẩy để có hạn ngạch cao hơn, nhưng bị Ả Rập Xê Út từ chối, theo các đại biểu.

Năm ngoái, UAE là nước duy nhất không đồng ý với thỏa thuận tăng sản lượng dầu thô trong OPEC+, nói rằng họ chỉ chấp nhận nếu được phép tăng sản lượng của chính mình nhiều hơn các thành viên khác. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy UAE đang áp dụng một chiến lược mới: Bán càng nhiều dầu thô càng tốt trước khi nhu cầu cạn kiệt.