VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»EU muốn thiết lập trần giá 60 USD với dầu Nga

EU muốn thiết lập trần giá 60 USD với dầu Nga

10:04 - 02/12/2022

Ba Lan là thành viên duy nhất chưa đồng ý với kế hoạch này vì muốn mức giá trần thấp hơn so với con số 60 USD được đề xuất.

Cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) đề nghị 27 nước thành viên giới hạn giá dầu của Nga ở mức 60 USD, theo các quan chức và nhà ngoại giao tham gia vào cuộc thảo luận.

Kế hoạch này – sử dụng ảnh hưởng của lĩnh vực bảo hiểm và vận tải biển của EU – là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế khả năng tiến hành chiến tranh của Moscow ở Ukraine trong khi vẫn giữ giá dầu thô toàn cầu ổn định. Nhưng liệu kế hoạch đó có tiến triển được hay không phụ thuộc vào phản ứng từ Ba Lan.

Toàn bộ 27 nước EU cần phải ký vào đề xuất để thực hiện kế hoạch vào thứ Hai. Vào thứ Năm, 26 nước còn lại không phản đối kế hoạch, nhưng Ba Lan yêu cầu thêm thời gian để xem xét, theo các quan chức của nước này và EU. Quyết định của Ba Lan sẽ không được đưa ra trước thứ Sáu.

Giá trần là một phần quan trọng trong nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin trong khi vẫn giữ ổn định nguồn cung toàn cầu và tránh tăng giá. Nó được tạo ra nhằm mục đích cho phép Nga – một nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới – cung cấp cho thị trường mà không nhận được toàn bộ lợi ích từ việc bán dầu.

Nếu EU đồng ý về trần giá, thì kế hoạch sau đó cần chữ kỹ của Nhóm G7 – Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Nhóm G7 và Úc đặt mục tiêu áp các biện pháp trừng phạt chưa từng có trước đây vào thời điểm lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu thô nhập khẩu của Nga bằng đường biển bắt đầu sau cuối tuần này.

Động thái của EU nhằm mục đích giới hạn doanh thu từ dầu của Nga trong khi giữ nguồn cung toàn cầu ổn định.

Động thái của EU nhằm mục đích giới hạn doanh thu từ dầu của Nga trong khi giữ nguồn cung toàn cầu ổn định.

Việc lựa chọn mức trần giá buộc các nước phải cố gắng cân bằng 2 mục tiêu của mình. Ukraine và Đông Âu ủng hộ mức trần thấp hơn để cắt giảm thêm doanh thu của Nga. Chính quyền Mỹ, các nhà kinh doanh dầu mỏ và nhà tài chính muốn mức trần cao hơn để đảm bảo Nga vẫn bán dầu.

Trong 10 ngày qua, Ba Lan là trung tâm của các cuộc đàm phán kéo dài tại Brussels. Mặc dù giới chức nước này nói rõ rằng họ ủng hộ kế hoạch và không muốn gây ra sự chậm trễ, nhưng họ gây sức ép để đặt mức trần giá thấp hơn nhiều so với giá mà dầu của Nga đang được bán.

Để giành được sự ủng hộ của Warsaw, Ủy ban Châu Âu trình bày một văn bản mới vào thứ Năm, hứa hẹn xem xét lại mức giá trần 2 tháng 1 lần bắt đầu từ tháng 1, đặt mục tiêu giữ trần giá thấp hơn ít nhất 5% so với giá mà Nga đang xuất khẩu dầu thô. Ủy ban cũng đang tìm cách đẩy nhanh quá trình chuẩn bị cho một đợt trừng phạt mới đối với Nga – điều mà Warsaw đã kêu gọi. Nhưng cuộc thảo luận của chính quyền Ba Lan vào thứ Năm vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Các quan chức châu Âu vẫn tự tin rằng kế hoạch trần giá có thể được ký kết vào thứ Sáu, nhưng lo ngại liệu các đối tác G7 – bao gồm cả Nhật Bản – có đủ thời gian để chuẩn bị cho kế hoạch trước cuối tuần hay không. Trước đó, G7 chuẩn bị công bố một thỏa thuận ở mức 60 USD/thùng vào thứ Sáu. Mức giá đó thấp hơn đáng kể so với chuẩn Brent quốc tế, được giao dịch ở mức khoảng 87 USD/thùng vào thứ Năm.

Washington báo hiệu rằng họ ủng hộ thiết lập giá trần ở 60 USD/thùng. Hôm thứ Năm, một quan chức Bộ Tài chính nói rằng Mỹ ủng hộ xem xét lại giá trần mỗi 2 tháng.

Dầu thô của Nga được giao dịch với mức chiết khấu đáng kể so với dầu Brent, mặc dù khó biết được giá chính xác vì nhiều người mua từ chối hoàn toàn dầu của Nga. Trong một số trường hợp, dầu Nga được giao dịch dưới 60 USD/thùng. Theo Argus Media – nhà cung cấp thông tin thị trường hàng hóa – dầu thô Urals của Nga có giá 48 USD/thùng khi được xuất khẩu từ cảng Primorsk ở vùng Baltic vào thứ Tư.

Theo kế hoạch trần giá, các công ty vận chuyển dầu của Nga bên ngoài châu Âu chỉ có thể tiếp cận dịch vụ môi giới và bảo hiểm của EU nếu họ bán dầu ở hoặc dưới 60 USD.

Ngoài đề xuất giá trần, EU cũng sẽ cấm dầu thô nhập khẩu qua đường biển của Nga từ thứ Hai.

Ngoài đề xuất giá trần, EU cũng sẽ cấm dầu thô nhập khẩu qua đường biển của Nga từ thứ Hai.

Ngoài đề xuất giá trần, một lệnh cấm vận khác của EU đối với nhập khẩu dầu thô của Nga bằng tàu sẽ có hiệu lực vào thứ Hai. Các quan chức Mỹ lo rằng lệnh cấm vận – kết hợp với mối đe dọa cắt bảo hiểm và những dịch vụ khác của EU cho tàu vận chuyển dầu của Nga – có thể đẩy giá lên cao, tạo ra nguồn thu mới để Nga tiến hành chiến tranh. Họ tạo ra giới hạn giá như một cách để nới lỏng kế hoạch ban đầu của EU cấm hoàn toàn việc tài trợ và bảo hiểm cho các chuyến tàu chở dầu của Nga.

Nga đe dọa từ chối bán dầu của mình dưới trần giá – một bước đi có thể khiến một lượng lớn nguồn cung biến mất khỏi thị trường và tăng giá trên toàn cầu. Nhưng tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov báo hiệu rằng Nga có không gian để cân nhắc về lời đe dọa đó. “Hiện tại, chúng tôi thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Putin, rằng chúng tôi sẽ không cung cấp dầu khí cho những quốc gia công bố và tham gia trần giá. Tất nhiên, chúng tôi phải phân tích mọi thứ trước khi đưa ra quan điểm”, ông Peskov nói.

Nga có thể sẽ tiếp tục bán một lượng dầu mà không tuân thủ mức trần giá mới, nếu họ cùng người mua ở châu Á và những nơi khác sử dụng tàu, bảo hiểm và nguồn tài chính bên ngoài phạm vi quyền hạn của G7. Các thương nhân nói rằng mức trần này có thể đẩy dầu của Nga vào đội tàu chở dầu ngầm, giữ cho dầu của Iran lưu thông bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, những dịch vụ này bên ngoài phương Tây nhiều khả năng đắt hơn, theo các quan chức Mỹ.

Ngoài ra, kể từ thứ Hai, Moscow sẽ không thể bán bất kỳ thùng dầu thô vận chuyển bằng đường biển nào của mình tới châu Âu – một trong những thị trường lớn nhất của nước này. Các thương nhân cho biết có dấu hiệu cho thấy Nga đang khó tìm người mua đối với hơn 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày hiện được bán vào EU.