VNReport»Kinh tế»Xuất nhập khẩu Việt Nam vào giai đoạn “ngủ đông”

Xuất nhập khẩu Việt Nam vào giai đoạn “ngủ đông”

17:11 - 08/12/2022

Bước vào giai đoạn chững lại của xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Theo báo cáo Vietnam At A Glance của HSBC, trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều lần xảy ra, nhìn chung, Việt Nam vẫn tỏ ra vượt trội, tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đà tăng trưởng này kéo dài tới sáu tháng đầu năm 2022, tuy nhiên, các dấu hiệu giờ đây cho thấy đã đến lúc ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị cho một đoạn đường không mấy bằng phẳng sắp tới.

Xuất nhập khẩu Việt Nam bước vào thời kỳ khó khăn

Cụ thể, trong tháng 11, xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhiều hơn so với dự báo của HSBC và thị trường. Đây là lần đầu tiên trong vòng hai năm Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, chủ yếu do tình hình suy giảm ở tất cả các lĩnh vực.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 11, từ đó kết thúc thời kỳ tăng kéo dài 13 tháng. Với kết quả 47,4 điểm so với 50,6 điểm của tháng 10, chỉ số kỳ này cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm mạnh trong tháng.

Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence – Andrew Harker cho rằng dấu hiệu giảm cầu trên thế giới tác động đến ngành sản xuất Việt Nam đã được phản ánh trong bản công bố PMI tháng trước. Nhưng sang tháng 11, bức tranh trở nên tối hơn đáng kể khi số lượng đơn đặt hàng mới, xuất khẩu, sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng đều giảm.

Một điểm đáng quan tâm khác của khảo sát PMI kỳ này là ảnh hưởng của việc giảm giá đồng Việt Nam gần đây so với USD. Điều này đã làm tăng chi phí đầu vào và góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới.

Trong bối cảnh lạm phát cao và tiêu dùng dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở các nước phương Tây, HSBC dự báo Việt Nam sẽ còn chứng kiến tình hình sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu hơn nữa.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân – Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt những thách thức và cơ hội cũng như cách thức làm việc linh hoạt mới. Chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng là cách tiếp cận đổi mới với hợp tác toàn khu vực, dựa trên việc xây dựng lòng tin và mang lại kết quả bền vững.

Theo PwC Việt Nam, 5 yếu tố giúp các doanh nghiệp xây dựng lại niềm tin, tạo ra giá trị và mang lại kết quả bền vững trong bối cảnh hiện nay là: Chuỗi cung ứng; Tăng trưởng doanh nghiệp trong khu vực; Kinh tế số; Lực lượng lao động và Môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các yếu tố này mang tính liên kết, chúng bổ trợ cho nhau và hành động liên quan đến một yếu tố sẽ ảnh hưởng đến những yếu tố còn lại.

“Thế giới đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi. Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng để xây dựng niềm tin với các bên liên quan, tạo ra giá trị, nâng cao khả năng cạnh tranh và mang lại kết quả bền vững. Điều này đòi hỏi một tư duy tiến bộ và đa chiều, lấy sự hợp tác làm điểm tựa. Tất cả chúng ta phải đoàn kết lại và hành động ngay bây giờ theo thực tế mới của khu vực.” – Raymund Chao – Chủ tịch PwC Châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc nhận định.