VNReport»Top»10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2022

10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2022

15:32 - 30/12/2022

Nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch mặc dù thị trường tài chính và bất động sản gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố vì tham nhũng và các vi phạm về trái phiếu, cổ phiếu.

2022 là một năm quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Sau 2 năm khó khăn do đại dịch Covid 19, nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 25 năm. Mặc dù vậy, không phải toàn bộ bức tranh kinh tế đều tươi sáng, khi các thị trường trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản đều khó khăn.

Về chính trị – xã hội, chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục với việc bắt giữ hàng loạt quan chức liên quan đến các đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu. Đại dịch Covid 19 về cơ bản kết thúc và nước ta mở cửa trở lại với thế giới. Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng do thiếu xăng dầu và thuốc men, vật tư y tế.

  1. GDP tăng trưởng mạnh nhất trong 25 năm

Năm 2022 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế sau năm 2021 đầy sóng gió, với GDP tăng trưởng 8,02% – con số cao nhất kể từ năm 1997. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Giá trị thương mại vượt mốc 700 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử, vốn FDI thực hiện lên cao nhất trong 5 năm qua, thu ngân sách nhà nước tăng gần 8% so với năm 2021.

Mặc dù ghi nhận những chỉ số ấn tượng trong năm nay, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức dịp cuối năm 2022 và năm 2023. Thách thức lớn nhất là việc nền kinh tế thế giới chậm lại tác động tiêu cực đến nhu cầu hàng xuất khẩu của Việt Nam.

  1. Hàng loạt quan chức cấp cao bị khởi tố vì tham nhũng

Trong năm nay, hàng loạt quan chức cấp cao bị khởi tố liên quan đến các đại án tham những. Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Chu Ngọc Anh (cựu Chủ tịch UBND Hà Nội), Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương), cùng với các quan chức khác – trong số tổng cộng 102 người – bị khởi tố do dính lưu đến vụ án bộ xét nghiệm Covid 19 của công ty Việt Á.

Trong khi đó, 37 cá nhân thuộc 8 bộ, ngành bị khởi tố, bắt giữ liên quan đến vụ tham nhũng “chuyến bay giải cứu”. Trong đó có Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) và Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND Hà Nội).

  1. Mở cửa biên giới

Sau khi dỡ bỏ những hạn chế Covid 19 nghiêm ngặt trong nước vào cuối năm 2021, đến tháng 2 năm nay, Việt Nam bắt đầu mở cửa biên giới trở lại và sau đó gỡ bỏ hầu hết các quy định phòng chống dịch như xét nghiệm, khai báo y tế …

Sau khi trải qua đợt lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra vào tháng 3, đại dịch nhìn chung không còn gây gián đoạn nào đối với cuộc sống của người dân và nền kinh tế. Điều đó giúp thúc đẩy du lịch trong nước hồi phục mạnh mẽ, vượt mức trước dịch. Tuy nhiên, du lịch quốc tế hồi phục chậm do thiếu vắng một số thị trường lớn như Trung Quốc và Nga, cũng như kinh tế thế giới khó khăn.

  1. Bắt giữ các lãnh đạo doanh nghiệp

Năm 2022 ghi nhận hàng loạt các vụ bắt giữ, khởi tố lãnh đạo doanh nghiệp lớn gây chao đảo thị trường tài chính và bất động sản.

Cuối tháng 3, Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và từng là người giàu nhất thị trường chứng khoán – bị bắt vì cáo buộc thao túng chứng khoán. Vài ngày sau đó, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và 6 người khác bị khởi tố liên quan đến gian lận trái phiếu. Đến tháng 10, Trương Mỹ Lan của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 3 đồng phạm cũng bị bắt giữ do vi phạm về trái phiếu.

  1. Khan hiếm xăng dầu

Tháng 10-11 năm nay, hàng dài người dân xếp hàng ở các cây xăng tại Hà Nội và TP HCM từ sáng sớm đến nửa đêm để chờ đổ xăng, khi một đợt khan hiếm xăng dầu quy mô lớn làm đảo lộn cuộc sống của người dân.

Hàng trăm cửa hàng xăng dầu ở các thành phố lớn đóng cửa hoạc hạn chế bán hàng do khó khăn tài chính và nguồn cung eo hẹp. Các đơn vị bán lẻ cho biết họ càng bán càng lỗ vì chi phí lên cao không được phản ánh vào giá bán lẻ do Chính phủ kiểm soát. Tình trạng này hầu hết đã kết thúc trong tháng 12 sau khi cơ quan chức năng tăng một số chi phí định mức cấu thành giá bán lẻ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành có lãi.

  1. Khủng hoảng ngành y tế

Sau thời kỳ căng mình chống chọi với Covid 19, ngành y tế rơi vào khủng hoảng khi thiếu hụt từ thuốc men, vật tư y tế đến nhân lực.

Vào giữa năm, 82% cơ sở y tế và 57% bệnh viện trung ương thiếu thuốc, khiến các bệnh viện phải mượn thuốc lẫn nhau. Vật tư y tế cũng thiếu, dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải tự tìm mua ở ngoài. Nguyên nhân được cho là những vướng mắc trong quá trình đấu thầu mua sắm khi nhiều quan chức ngành y tế bị kỷ luật, khởi tố.

Ngoài ra, việc gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc trong 18 tháng – với lý do chính là thu nhập thấp – cũng gây khó khăn cho các bệnh viện.

  1. Bất động sản đóng băng

Thị trường bất động sản bùng nổ hồi đầu năm nay khi giới đầu cơ đổ xô đến các tỉnh thành với hy vọng kiếm lời, khiến giá nhà đất tăng 2 chữ số chỉ trong vài tháng.

Tuy nhiên, tình hình thị trường xấu đi nhiều trong nửa sau của năm khi các nhà phát triển bất động sản khó vay vốn từ ngân hàng vì các nhà băng đạt đến trần tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đặt ra, cũng như những quy định của nhà quản lý nhằm siết chặt tín dụng vào một lĩnh vực vốn bị coi là nhiều rủi ro.

Huy động vốn qua trái phiếu cũng khó khăn vì Chính phủ khởi tố các vi phạm trên thị trường như trong vụ việc Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Trong khi đó, nhu cầu chậm lại đáng kể vì lãi suất tăng về cuối năm.

  1. Khủng hoảng niềm tin ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp – một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây – rơi vào khủng hoảng năm nay khi hàng loạt những vi phạm của các đơn vị phát hành lớn bị phanh phui.

Vào tháng 4, các lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị cáo buộc lừa đảo trong 9 đợt phát hành trái phiếu trị giá 10 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 10, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – cũng bị bắt vì cáo buộc lừa đảo số trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Những sự kiện trên gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu, khiến hàng loạt doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn, với giá trị mua lại tính đến hết tháng 11 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

  1. Cổ phiếu giảm mạnh

Thị trường cổ phiếu Việt Nam trải qua một trong những năm tệ nhất trong lịch sử, khi những vấn đề quốc tế và trong nước khiến VN-Index giảm gần 1/3 giá trị.

Thị trường khởi đầu năm mạnh mẽ với VN-Index đạt đỉnh 1.528 điểm vào đầu tháng 1. Nhưng đến khoảng tháng 4, cổ phiếu bắt đầu lao dốc vì các nền kinh tế lớn tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và ở trong nước xảy ra những vụ bắt giữ các chủ doanh nghiệp lớn.

VN-Index rơi xuống mức đáy trong năm khoảng 912 điểm vào tháng 11, trở thành một trong những chỉ số giảm mạnh nhất thế giới, sau đó ghi nhận đợt hồi phục nhẹ dịp cuối năm, tăng lên 1.007 điểm.

  1. SEA Games 31

Đại hội thể thao Đông Nam Á trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau 19 năm. Từ ngày 12/5 đến 23/5, hàng nghìn vận động viên, huấn luyện viên từ 11 nước trong khu vực tham gia tranh tài ở 40 môn thi đấu với 526 bộ huy chương. Kỳ Sea Games này bị hoãn mất 1 năm vì đại dịch.

Tổ chức tại Hà Nội và 11 địa phương khác, đại hội thu hút lượng khán giả đông đảo, hào hứng. Đoàn chủ nhà đứng đầu bảng tổng sắp với 205 huy chương vàng, con số cao nhất trong lịch sử đại hội và bao gồm chiếc huy chương vàng nội dung bóng đá nam.