VNReport»Kinh tế»Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu 2023

Động lực cho tăng trưởng xuất khẩu 2023

17:32 - 09/01/2023

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục là “phao” để các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu dựa vào và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong năm 2023.

Trợ lực từ FTA

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Tính chung cả năm 2022, ước tính Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD trong khi con số này ở năm trước chỉ 3,32 tỷ USD.

Thành tích xuất khẩu đạt gần 372 tỷ USD trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của 15 FTA đang thực thi, trong đó có loạt FTA thế hệ mới với khu vực thị trường EU, Vương quốc Anh, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…

Thành tích xuất khẩu trong năm 2022 có sự đóng góp không nhỏ của các FTA

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất siêu sang các thị trường có FTA năm 2022 lên tới hàng chục tỷ USD. Nếu không có những thị trường thuộc các FTA thế hệ mới, cán cân thương mại hàng hóa khó có thể xuất siêu, mà thậm chí sẽ nhập siêu.

Đơn cử, nhờ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20%. Xuất siêu sang khối thị trường này ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so với năm trước. Cũng nhờ tận dụng Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã tạo điều kiện để xuất khẩu sang Anh năm 2022 tăng trên 45% so với năm 2021, xuất siêu hơn 5 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hồng Hiệp – Giám đốc Khối Nội chính – Truyền thông – Đối ngoại (Tập đoàn PAN) cho biết, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… đã tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp trong việc gia tăng xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản chế biến vào các thị trường này, ưu đãi thuế quan cũng tốt hơn.

Chưa hết, nhờ có nhiều FTA cùng thực thi, doanh nghiệp có thêm lựa chọn để tận dụng FTA nào có lợi nhất. Riêng với CPTPP đã giúp công tác mở rộng thị trường xuất khẩu hiệu quả sang Canada, Australia, với mức tăng trưởng ấn tượng, nhờ đó tạo đà cho tăng tốc xuất khẩu những năm tiếp theo.

Số liệu từ Bộ Công thương cũng cho thấy, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường có FTA. Từ đó giúp đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, cũng như chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ và giá trị ngày càng cao hơn.

“Cửa sáng” cho xuất khẩu năm 2023

Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ còn kéo dài sang năm 2023. Hoạt động xuất khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực khi kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại, thậm chí đối diện nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn; thương mại sụt giảm bởi lãi suất tăng; căng thẳng địa chính trị (đặc biệt là xung đột Nga, Ukraine và phương Tây), khiến chuỗi cung ứng toàn cầu còn bị gián đoạn.

Bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các ngành chủ lực như điện tử, dệt may, da giày. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, nếu như năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt mức 13-14%, thì sang năm 2023 dự báo tăng chậm hơn, khoảng 8-10%.

Tuy vậy, trong bức tranh xuất nhập khẩu năm 2023, vẫn có cửa sáng cho xuất khẩu. Đó là việc các ngành hàng đã khai thác thêm thị trường mới, mở rộng sản phẩm xuất khẩu nhờ sự mở đường của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong năm 2022 tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường mới đều đạt ở mức 2 con số, đặc biệt là thị trường các nước CPTPP và EVFTA. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường này còn tương đối nhỏ, song trong giai đoạn biến động chung thì thị trường lớn hay nhỏ đều đáng giá.

Nhận định về tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, TS. Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, những lợi thế từ FTA, đặc biệt là ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới sẽ là công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các doanh nghiệp, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ vững, mở rộng thị phần ở các thị trường có FTA.

Song Bộ Công thương cũng lưu ý, yêu cầu đặt ra của người tiêu dùng tại các thị trường mới và thị trường truyền thống sẽ ngày càng khắt khe hơn. Các doanh nghiệp, ngành hàng cần quan tâm tới vấn đề nguồn nguyên liệu đầu vào để chủ động sản xuất và đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Ông Phạm Hùng Tiến – Phó Viện trưởng Viện FNF Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi ngay từ các chiến lược kinh doanh chứ không chỉ tập trung vào việc làm thế nào giảm giá thành sản phẩm hàng hoá.

Để tận dụng được lợi thế từ các FTA, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ VHTT&DL triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, thiết kế riêng cho từng thị trường, trong đó nhấn mạnh ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ.

Theo đó, Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA sẽ xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.

“Với các biện pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, thực chất của các cơ quan quản lý cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chúng ta sẽ có đủ niềm tin và động lực để vượt sóng lớn và tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang kỳ vọng.