VNReport»Kinh tế»Tài chính»Giá vàng tăng vì kỳ vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất

Giá vàng tăng vì kỳ vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất

17:31 - 11/01/2023

Giá vàng tăng trong 2 tháng gần đây vì nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ hạ tốc độ tăng lãi suất khi lạm phát giảm từ đỉnh.

Giá vàng đi lên trong 2 tháng qua do kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Giá của kim loại quý này đã tăng 15% kể từ ngày 3/11, lên gần 1.900 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Sự phục hồi diễn ra khi thị trường ngày càng kỳ vọng rằng Fed sẽ hạ tốc độ tăng lãi suất khi lạm phát giảm từ đỉnh. Lãi suất cao hơn khiến vàng – tài sản không đem lại thu nhập thường xuyên – trở nên kém hấp dẫn hơn.

Các nhà phân tích tại Emirates NBD cho biết: “Kỳ vọng rộng rãi của thị trường tài chính rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ cần phải rút lại việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ đang giúp hỗ trợ thị trường vàng, ngay cả khi những người phát ngôn của Fed chưa đưa ra dấu hiệu thay đổi”.

Giá vàng thế giới tăng 15% kể từ ngày 3/11, lên gần 1.900 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Giá vàng thế giới tăng 15% kể từ ngày 3/11, lên gần 1.900 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Giới phân tích cũng cho biết việc Fed được dự báo tăng lãi suất chậm lại so với các ngân hàng trung ương khác, chẳng hạn như Ngân hàng Trung ương châu Âu, có thể gây áp lực giảm giá đối với đồng USD, vốn đã tăng mạnh vào năm ngoái. Đồng USD yếu hơn có xu hướng làm tăng giá các loại hàng hóa thương phẩm, bao gồm cả vàng, vì nó khiến chúng trở nên rẻ hơn đối với người mua bên ngoài Mỹ.

Giai đoạn 50 ngày gần đây nhất của vàng ghi nhận mức tăng tốt nhất kể từ khi đại dịch Covid làm rung chuyển thị trường toàn cầu vào năm 2020, đẩy giá lên trên 2.000 USD/ounce. Giá vàng giảm mạnh trong năm ngoái sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 3, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và đồng USD được thúc đẩy bởi tốc độ tăng lãi suất đặc biệt nhanh của Fed.

Điều đó đè nặng lên nhu cầu vàng, đặc biệt là các quỹ ETF vàng. Giới đầu tư đã bán 3 tỷ USD giá trị các quỹ ETF được đảm bảo bằng vàng vật lý trong năm 2022, giảm giá trị nắm giữ 3,4% xuống còn 202,7 tỷ USD vào cuối tháng 12, theo Hội đồng Vàng Thế giới.

Giới phân tích cho biết giá vàng vẫn chống chịu tốt trong bối cảnh ngân hàng trung ương của Mỹ tăng lãi suất nhanh chóng, nhờ mức mua vào kỷ lục của các ngân hàng trung ương và nhu cầu cao từ nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tiền mã hóa và cổ phiếu công nghệ giảm giá. Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiết lộ đã mua thêm 30 tấn vàng trong tháng 12, sau khi lần đầu tiên trong hơn 3 năm báo cáo mua 32 tấn trong tháng 11.

Sự chú ý của các nhà giao dịch đang tập trung vào các dấu hiệu về mức dai dẳng của lạm phát, để đánh giá triển vọng chính sách tiền tệ. Phillip Streible – giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Lines Futures, một công ty môi giới – nói rằng vàng có thể vượt qua mức 1.900 USD/ounce nếu dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ vào thứ Năm yếu hơn dự kiến. “Một khi bạn bước vào vùng 1900, nó sẽ trở thành lực kéo hướng tới 2.000 USD”, ông cho biết thêm.

MKS PAMP – một tập đoàn kim loại quý – dự đoán mức giá trung bình là 1.880 USD/ounce trong năm nay với tiềm năng giá thậm chí còn cao hơn trong trường hợp thị trường tài chính tiếp tục biến động, tăng trưởng toàn cầu thấp hơn hoặc lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn. “Vàng đã giảm do Fed có chính sách diều hâu trong việc chống lại lạm phát nhưng nó không nằm ngoài quỹ đạo đi lên từ đây trở đi”, họ cho biết.

Tuy nhiên, James Steel – nhà phân tích kim loại quý lâu năm của HSBC – nói rằng nhu cầu của nhà đầu tư nhỏ lẻ đối với vàng, đặc biệt là đồ trang sức, sẽ bắt đầu giảm khi giá tăng trên mức đó, hạn chế khả năng tăng giá của vàng. Và một số người cảnh báo rằng chính sách ít quyết liệt hơn của Fed hầu hết đã được phản ánh vào giá. Theo các nhà phân tích của RBC, kỳ vọng của thị trường về việc Fed cắt giảm lãi suất từ giữa năm nay “vẫn chưa phải là điều chắc chắn”.