VNReport»Top»10 nước có thặng dư thương mại lớn nhất thế giới

10 nước có thặng dư thương mại lớn nhất thế giới

15:20 - 12/01/2023

Các nước có thặng dư thương mại lớn thường rơi vào một trong hai nhóm: cường quốc sản xuất hoặc nước xuất khẩu nhiều tài nguyên thiên nhiên mà phổ biến nhất là dầu mỏ.

Thặng dư thương mại, còn gọi là xuất khẩu ròng hoặc xuất siêu là hiệu số của giá trị xuất khẩu trừ đi giá trị nhập khẩu. Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng thặng dư thương mại lớn không phải lúc nào cũng có lợi cho một quốc gia.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là nước xuất khẩu ròng nhiều nhất thế giới. Các cường quốc sản xuất khác như Đức và Đài Loan cũng đã duy trì cán cân thương mại dương trong hàng thập kỷ. Ngoài ra, những nước như Nga và Ả Rập Xê Út có thặng dư thương mại lớn nhờ xuất khẩu dầu mỏ.

  1. Trung Quốc (676 tỷ USD)

Trung Quốc luôn là nước có thặng dư thương mại cao nhất thế giới trong nhiều năm qua. Năm 2021, nước này đạt mức xuất siêu 676 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới và nhập khẩu nhiều thứ hai sau Mỹ.

Khoảng 3/4 giá trị xuất khẩu của Trung Quốc là hàng sản xuất chế tạo, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính, bảng mạch tích hợp, đèn chiếu sáng, chất bán dẫn, đồ chơi, linh kiện ô tô, tivi … Trong khi đó, nước này nhập khẩu nhiều bảng mạch tích hợp và các loại nhiên liệu, vật liệu cơ bản như dầu thô và quặng sắt.

  1. Đức (212 tỷ USD)

Đức ghi nhận thặng dư thương mại 212 tỷ USD trong năm 2021. Con số này cao hơn năm 2020, nhưng thấp hơn tất cả các năm từ 2011 đến 2019. Đức là nước xuất khẩu và nhập khẩu nhiều thứ ba thế giới.

Là một cường quốc sản xuất từ thế kỷ 19, Đức xuất khẩu lượng lớn các mặt hàng bao gồm ô tô, máy móc, hóa chất, thiết bị điện và điện tử, dược phẩm … Trong khi đó, họ nhập khẩu nhiều máy tính, nguyên liệu và nhiên liệu.

  1. Nga (191 tỷ USD)

Thặng dư thương mại 190 tỷ USD trong năm 2021 của Nga đóng góp hơn 1/10 vào tổng quy mô nền kinh tế nước này. Dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước này, nên thặng dự thương mại của Nga qua các năm thường biến động theo giá dầu.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga bao gồm dầu thô và dầu tinh chế, khí đốt, than đá, quặng sắt và lúa mì. Nước này là nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Nga gồm ô tô, dược phẩm, máy bay, máy tính.

  1. UAE (106 tỷ USD)

Trong năm 2021, gần 1/4 GDP của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đến từ mức thặng dư thương mại kỷ lục 106 tỷ USD, tỷ lệ lớn nhất trong danh sách này.

Điều đó cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế UAE vào xuất khẩu, mà cụ thể là xuất khẩu dầu mỏ – chiếm gần một nửa tổng giá trị xuất khẩu của đất nước. Phần còn lại chủ yếu đến từ xuất khẩu khí đốt và tái xuất khẩu. Trong khi đó, họ nhập khẩu chủ yếu máy móc, ô tô, hóa chất và thực phẩm.

  1. Ả Rập Xê Út (103 tỷ USD)

Là một cường quốc xuất khẩu dầu mỏ khác, Ả Rập Xê Út ghi nhận thặng dư thương mại 103 tỷ USD trong năm 2021, tăng 2,5 lần so với năm 2020 và chiếm 12% GDP của đất nước.

Khoảng 90% giá trị xuất khẩu của nước này đến từ dầu mỏ và chế phẩm dầu mỏ. Ả Rập Xê Út là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng nhất trong nhóm Hiệp hội các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Họ nhập khẩu các mặt hàng gồm máy móc thiết bị, thực phẩm, hóa chất, ô tô, may mặc.

  1. Australia (82 tỷ USD)

Australia báo cáo thặng dư thương mại kỷ lục 82 tỷ USD trong năm 2021, nhờ giá các mặt hàng tài nguyên thiên nhiên tăng cao. Đây là nước xuất khẩu lớn các mặt hàng như quặng sắt, than đá, khí đốt, vàng, nhôm, đồng.

Lĩnh vực nông nghiệp của Australia cũng rất phát triển, với những mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng như thịt bò, sữa và rượu vang. Họ nhập khẩu nhiều dầu mỏ, ô tô, máy tính, thiết bị viễn thông. Khác với những cường quốc xuất khẩu dầu mỏ trong danh sách này, thặng dư thương mại chỉ chiếm 5% nền kinh tế Australia.

  1. Hà Lan (79 tỷ USD)

Hà Lan là nước có lĩnh vực thương mại rất phát triển so với quy mô nền kinh tế. Cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước này đều đứng thứ 4 thế giới, mặc dù GDP chỉ đứng thứ 19. Cảng Rotterdam của Hà Lan là cảng lớn nhất ở châu Âu.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Hà Lan bao gồm máy móc, hóa chất, khí đốt và thực phẩm. Nước này nhập khẩu nhiều máy móc, hóa chất, nhiên liệu và thực phẩm.

  1. Ireland (72 tỷ USD)

Ireland cũng là một quốc gia trọng thương, với thặng dư thương mại năm 2021 của nước này đạt 72 tỷ USD, chiếm gần 14% GDP. Kể từ khi bắt đầu phát triển bùng nổ nền kinh tế vào giữa thập niên 1990, Ireland luôn xuất khẩu ròng hàng năm.

Ireland là một trong những nhà xuất khẩu dược phẩm, thiết bị y tế và phần mềm lớn nhất thế giới, đồng thời cũng xuất khẩu nhiều kẽm và chì. Nước này nhập khẩu nhiều máy tính, máy móc, hóa chất, dầu mỏ và chế phẩm dầu mỏ, hàng may mặc.

  1. Đài Loan (66 tỷ USD)

Đài Loan là một trong những cường quốc sản xuất lớn trên thế giới, đặc biệt là về chip máy tính, máy tính và thiết bị điện tử. Nước này luôn có thặng dư thương mại hàng năm kể từ 1976, với mức xuất siêu năm 2021 đạt 66 tỷ USD.

Công ty TSMC của Đài Loan sở hữu công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Nước này cũng có ngành sản xuất máy tính và thiết bị điện tử rất phát triển, đồng thời xuất khẩu nhiều chế phẩm hóa dầu, phụ tùng ô tô, tàu biển. Họ nhập khẩu các loại nhiên liệu như dầu thô và khí đốt.

  1. Na Uy (62 tỷ USD)

Một trong 10 nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, thặng dư thương mại của Na Uy tăng mạnh từ mức 4 tỷ USD năm 2020 lên 62 tỷ USD năm 2021 – cao nhất kể từ năm 2013 – nhờ đà tăng của giá dầu.

Hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Na Uy đến từ dầu thô, khí đốt và các chế phẩm từ dầu khí. Họ cũng xuất khẩu máy móc, tàu biển và cá. Các mặt hàng nhập khẩu lớn bao gồm máy móc, hóa chất, kim loại và thực phẩm.