VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc khó khăn lấy lại đà tăng trưởng

Trung Quốc khó khăn lấy lại đà tăng trưởng

16:16 - 30/01/2023

Những “vết thương” từ chính sách Zero Covid của Trung Quốc đang cản đà lấy lại tăng trưởng của nước này.

Trong suốt 3 năm qua, “Zero-Covid” đã ảnh hưởng tới mọi ngành nghề, lĩnh vực ở Trung Quốc bởi lệnh phong tỏa và cấm tụ tập nơi công cộng. Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động do chính sách Zero-Covid. Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát chính thức đối với thanh niên trong độ tuổi 16-24 tại nước này là trên 15% trong cả năm 2022.

Các nhà phân tích của Eurasia Review nhận định, dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 3 năm đã bào mòn nền tảng kinh tế Trung Quốc. Từ doanh nghiệp tư nhân cho tới người dân bình thường, niềm tin vào nền kinh tế và tương lai đã bị xói mòn, do vậy phía trước sẽ là nhiều bất trắc hơn nữa đối với Trung Quốc.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong 3 năm đã bào mòn nền tảng kinh tế Trung Quốc

Dù đã từ bỏ chính sách này vào cuối năm ngoái, song các nhà phân tích cho rằng những “vết thương” từ chính sách Zero-Covid của Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để có thể lành lại. Việc đưa nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại không hề dễ dàng và cần một sự thay đổi mạnh mẽ.

Trên thực tế, xuất hiện một số xu hướng kinh tế đáng quan ngại tại Trung Quốc. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng đầu tư suy giảm, đầu tư tư nhân yếu đi. Theo số liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố, tổng đầu tư tài sản cố định trong năm 2022 tăng 5,1% so với năm trước đó. Đáng chú ý, đầu tư tài sản cố định khu vực tư nhân (chiếm 54,2%) chỉ tăng 0,9% so với năm trước.

Hai là, trao đổi ngoại thương suy yếu. Mặc dù vẫn duy trì tăng trưởng dương trong cả năm, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể. Riêng trong ba tháng cuối năm 2022, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đều rơi vào xu thế suy giảm, với mức tăng trưởng âm về xuất khẩu lần lượt là -0,3%, -8,7% và -9,9%; còn nhập khẩu có mức suy giảm lần lượt là -0,7%, -10,6% và -7,8%.

Ba là, tiêu dùng – vốn là một trụ cột hỗ trợ kinh tế Trung Quốc, tiếp tục mất đà. Tháng 12/2022, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa tiêu dùng đạt 598 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong cả năm 2022, mức giảm này là 0,2%.

Trong tháng 12/2022, xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh do nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt. Dữ liệu thương mại từ Hàn Quốc cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục gặp khó khăn, với xuất khẩu giảm 2,7% trong 20 ngày đầu tháng 1/2023. Mặc dù con số này đã là tốt hơn so với mức giảm 8,8% của tháng 12, nhưng vẫn đáng lo ngại.

Ở chiều ngược lại, các chuyến hàng đến Trung Quốc đã giảm 24,4% trong giai đoạn này, đặt ra câu hỏi liệu con đường phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ kéo dài bao lâu, ngay cả khi nước này đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế.

Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu hạ nhiệt trước nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi tiêu dùng như động lực chính của nền kinh tế, song song với việc thúc đẩy nhập khẩu.

Tại một cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Quốc Vụ Viện Trung Quốc cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nước ngoài, duy trì đồng NDT ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới và giúp các công ty tham gia hội chợ thương mại cả trong và ngoài nước.

Quốc Vụ Viện cũng tiếp tục hỗ trợ đối với khu vực tư nhân và nền kinh tế kỹ thuật số, vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực do một loạt biện pháp thắt chặt trong những năm gần đây.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là khoảng 5,5%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm.

Dự kiến, trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi lên 4,9% trước khi ổn định vào năm 2024.