VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Kinh tế Malaysia phát triển nhanh nhất châu Á

Kinh tế Malaysia phát triển nhanh nhất châu Á

17:58 - 13/02/2023

Tăng trưởng của Malaysia năm 2022 ghi nhận đạt mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ qua.

Theo Cục Thống kê của Malaysia, GDP của Malaysia đã tăng trưởng 8,7% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 22 năm và vượt qua dự báo 6,5% – 7% của Chính phủ nước này.

Ngân hàng trung ương Negara Malaysia (BNM) đánh giá kinh tế phục hồi nhờ các biện pháp kích thích kinh tế và nhu cầu nội địa tăng lên. Đồng thời, việc cải thiện thị trường lao động đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng cá nhân tăng trưởng liên tục.

BNM cũng kỳ vọng việc mở lại biên giới của Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự phục hồi của lượng khách du lịch. Ngoài ra, nhu cầu trong nước mạnh sẽ bù đắp nhu cầu đối với các sản phẩm của Malaysia do nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại dưới sức nặng của việc tăng lãi suất.

Nền kinh tế Malaysia tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022

Mặc dù vậy, theo dữ liệu so sánh với các tháng trước, nền kinh tế Malaysia trong những tháng cuối năm đã giảm 2,6%. Các nhà chức trách cho rằng lý do là bởi các biện pháp kích thích kinh tế đang dần không còn tác dụng.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia, bà Nor Shamsiah Mohd Yunus cho rằng rủi ro tăng trưởng vẫn sẽ xuất hiện do nhiều yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, những rủi ro này không đủ lớn để đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Các nhà hoạch định chính sách của Malaysia đang chuyển trọng tâm sang việc bảo vệ nền kinh tế khỏi nhu cầu giảm sút toàn cầu. Bà Nor Shamsiah Mohd Yunus cho biết, hiện tại, chính sách tiền tệ vẫn đang hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia sẽ tiếp tục tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Ngân hàng Hồi giáo Malaysia Bhd dự báo nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm 2023, trong khi các ngân hàng khác cho rằng con số này dao động quanh mức 4-4,4%.

Tín hiệu vui từ kinh tế Malaysia là một minh chứng cho thấy sau một thời gian dài khó khăn vì đại dịch Covid-19, các nền kinh tế Đông Nam Á đang khởi sắc và phục hồi mạnh mẽ.

Trước đó, GDP của Indonesia – nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được thông báo tăng trưởng 5,31% vào năm 2022. Dữ liệu của Chính phủ nước này cho thấy, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện đã quay trở lại con đường tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.

Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng đã đưa ra mức dự báo mức tăng trưởng năm 2023 từ 4,5% đến 5,3%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tháng 1 cũng dự báo rằng nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng 4,8% vào năm 2023.

Trong khi đó, GDP của Philippines cũng ghi nhận tăng trưởng 7,6% trong năm 2022. Mức tăng trưởng này vượt qua mục tiêu của Chính phủ nhờ tiêu dùng trong nước vẫn ổn định mặc dù lạm phát tăng cao.

Tại Thái Lan, lĩnh vực du lịch – trụ cột quan trọng của nền kinh tế đã khởi sắc trở lại, nhất là sau khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan có thể đạt 3,5 – 4% trong năm nay nhờ “điểm sáng” du lịch, cùng với cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào quý II/2023.

Các nhà phân tích nhận định, cuộc tổng tuyển cử sẽ giúp tạo ra 50 tỷ baht trong chi tiêu, góp phần nâng tăng trưởng kinh tế thêm 0,3%; khách du lịch từ Trung Quốc có thể chiếm 7-8 triệu lượt trong tổng số 26-27 triệu lượt khách quốc tế đến Thái Lan trong năm nay.

Tín hiệu phục hồi kinh tế cũng đã được ghi nhận tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam, Philippines, Campuchia… Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, thách thức với các nền kinh tế khu vực trong năm nay còn rất lớn. Lạm phát sẽ vẫn là một mối đe dọa không thể xem thường, nhất là tại Philippines, Thái Lan và Lào.

Ngoài ra, những “cơn gió ngược” từ bối cảnh quốc tế không mấy thuận lợi như xung đột Nga-Ukraine vẫn nghiêm trọng, căng thẳng quan hệ Trung Quốc – Mỹ gia tăng, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới vẫn hiện hữu… cũng có nguy cơ “cản bước” tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á trong năm 2023.