VNReport»Kinh tế»Tài chính»Khủng hoảng ngân hàng có thể thay đổi kế hoạch tăng lãi suất của Fed

Khủng hoảng ngân hàng có thể thay đổi kế hoạch tăng lãi suất của Fed

12:00 - 14/03/2023

Nhà đầu tư hiện dự đoán Fed có thể giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới. Trước khi các ngân hàng Silicon Valley và Signature phá sản, họ từng kỳ vọng mức tăng 0,25 điểm hoặc 0,5 điểm phần trăm.

Những vụ phá sản gần đây của các ngân hàng Silicon Valley Signature, cùng với việc bán tháo cổ phiếu các ngân hàng khu vực hôm thứ Hai, có thể đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào một vị trí khó khăn: ổn định hệ thống ngân hàng trong lúc chiến đấu chống lạm phát.

Tình hình có thể buộc Fed phải nghĩ lại về kế hoạch tăng lãi suất của mình. Tháng trước, ngân hàng trung ương này tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn 0,25 điểm phần trăm, sau khi tăng 0,5 điểm trong tháng 12 và 0,75 điểm trong 3 cuộc họp trước đó. “Chúng tôi luôn nói rằng một thứ có thể phá kế hoạch thắt chặt chính sách của Fed là một cuộc khủng hoảng tài chính. Vẫn chưa rõ liệu họ đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng hay chưa”, theo Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của KPMG.

Sau những vụ phá sản ngân hàng, nhà đầu tư trong thị trường hợp đồng tương lai lãi suất dự đoán xác suất hơn 1/3 rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới, theo CME Group. Tuần trước, nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ chọn giữa việc tăng 0,25 điểm như vào tháng 2, hoặc tăng 0,5 điểm để kiềm chế lạm phát vẫn dai dẳng.

Fed có thể buộc phải chọn ưu tiên hàng đầu của mình: lạm phát hay ổn định tài chính.

Fed có thể buộc phải chọn ưu tiên hàng đầu của mình: lạm phát hay ổn định tài chính.

Tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng khiến trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá mạnh vào thứ Hai, với lợi suất của một số trái phiếu ngắn hạn giảm 0,5 điểm phần trăm trong vài giờ. Sự sụt giảm cho thấy nhà đầu tư đã chuyển từ lo lắng về lạm phát và tăng lãi suất sang tập trung vào thiệt hại mà sự sụp đổ của các ngân hàng có thể gây ra cho nền kinh tế.

Cho đến tuần trước, nền kinh tế và hệ thống tài chính không cho thấy nhiều ảnh hưởng từ chiến dịch tăng lãi suất mạnh của Fed trong năm qua, ngoài sự sụt giảm mạnh trong thị trường nhà ở. Sau đó, sự sụp đổ đột ngột của Ngân hàng Silicon Valley buộc nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về sức khỏe của các ngân hàng khu vực. Điều đó có thể dẫn đến việc các ngân hàng giảm cho vay trong bối cảnh lãi suất tiền gửi cao vì chiến dịch tăng lãi suất của Fed.

Trong năm qua, các quan chức của Fed từng thừa nhận nguy cơ buộc phải cùng lúc chiến đầu với hai vấn đề – mất ổn định tài chính và lạm phát. Một số quan chức cho biết họ sẽ sử dụng những công cụ cho vay khẩn cấp để hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong khi tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. “Tôi tin rằng chúng tôi có sẵn các công cụ để giải quyết bất kỳ mối lo ngại nào về ổn định tài chính và không nên tìm đến chính sách tiền tệ cho mục đích này”, thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm ngoái. “Trọng tâm của chính sách tiền tệ cần phải là chống lạm phát”, ông nói.

Fed và Bộ Tài chính công bố các biện pháp mạnh mẽ vào tối Chủ nhật để đảm bảo cho những khoản tiền gửi không được bảo hiểm ở 2 ngân hàng phá sản, và cấp vốn nhiều hơn cho các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu rút tiền. Các cơ quan quản lý viện dẫn một khái niệm được gọi là “ngoại lệ rủi ro hệ thống” khi đưa ra đảm bảo trên. Như vậy, nếu Fed tăng lãi suất vào tuần sau, điều đó sẽ cho thấy sự không nhất quán, theo Eric Rosengren – cựu chủ tịch Fed Boston. “Tại sao lại tăng lãi suất nếu bạn lo lắng về một vấn đề mang tính hệ thống đối với nền kinh tế Mỹ?”

Các nhà kinh tế tại Barclays – tuần trước dự đoán lãi suất tăng nửa điểm tại cuộc họp ngày 21-22/3 – cho biết hôm thứ Hai rằng họ kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất ổn định trong tháng 3 và để ngỏ khả năng tăng thêm một vài lần nữa sau khi cuộc khủng hoảng lắng xuống. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cũng cho biết vào tối Chủ nhật rằng họ dự đoán Fed giữ nguyên lãi suất vào tuần tới.

Những người khác – bao gồm Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại JPMorgan Chase – cho biết họ vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tăng thêm 1/4 điểm. Tháng trước, các quan chức Fed cho biết tăng lãi suất theo bước nhỏ hơn giúp họ có thời gian đánh giá tác động của những lần tăng nhanh trong năm ngoái và giảm nguy cơ tăng quá nhiều. Tác động của việc tăng lãi suất lên nền kinh tế – thông qua thắt chặt các điều kiện tài chính như tăng chi phí vay, giảm giá cổ phiếu và tăng giá trị đồng USD – xuất hiện với một độ trễ nhất định.

Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ vào tuần trước, khiến sức khỏe của các ngân hàng khu vực bị đặt dấu hỏi.

Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ vào tuần trước, khiến sức khỏe của các ngân hàng khu vực bị đặt dấu hỏi.

Ngay trước cuộc khủng hoảng ở Ngân hàng Silicon Valley tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc đến khả năng tăng 0,5 điểm tại cuộc họp tháng này trong bối cảnh nền kinh tế cho thấy sức mạnh bất ngờ. “Không có dữ liệu nào gợi ý cho tôi rằng chúng tôi đã thắt chặt quá nhiều”, ông nói vào ngày 7/3 trước Thượng viện.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến những thay đổi cơ bản trong cách hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nếu lượng tiền gửi không được bảo hiểm từ các khách hàng doanh nghiệp giảm, thì tín dụng có thể bị kéo xuống, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vay vốn.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Fed có thời điểm không muốn giảm lãi suất vì một số quan chức lo lắng về lạm phát do giá dầu tăng cao. Nhưng lạm phát cơ bản – không bao gồm giá lương thực và năng lượng – hiện nay cao hơn đáng kể so với khi đó, có thể đặt ra một thử thách còn khó khăn hơn đối với các nhà hoạch định chính sách.

Một rủi ro khác là Fed mềm mỏng hơn trong cuộc chiến chống lạm phát và cuộc khủng hoảng ngân hàng nhanh chóng trôi qua, làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát. Năm 1998, việc Fed giảm lãi suất để đối phó với sự sụp đổ của một quỹ phòng hộ khiến nền kinh tế trở nên quá nóng. “Ưu tiên đầu tiên là đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh và ổn định. Nhưng nếu những bước đó nới lỏng các điều kiện của thị trường tài chính, thì áp lực lạm phát có thể đi chệch hướng”, bà Swonk nói.