VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»OPEC+ bất ngờ giảm sản lượng, giá dầu tăng vọt

OPEC+ bất ngờ giảm sản lượng, giá dầu tăng vọt

10:40 - 03/04/2023

Kể từ tháng 5, OPEC+ cắt giảm sản lượng khoảng 1,15 triệu thùng/ngày, khiến giá dầu Brent tăng hơn 7%.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, công bố cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện từ tháng 5 đến cuối năm nay.

Động thái này cắt giảm khoảng 1,15 triệu thùng mỗi ngày và được dẫn đầu bởi Ả Rập Xê Út. Bộ Năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết trong một tuyên bố rằng việc cắt giảm sản lượng “là một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”.

Động thái này khiến giá dầu tăng vọt, với giá hợp đồng tương lai dầu Brent (chuẩn quốc tế) tăng gần 6 USD lên 85,5 USD/thùng, trong khi dầu WTI của Mỹ tăng 5,2 USD lên 80,9 USD/thùng.

Giá dầu có xu hướng giảm kể từ cuối năm ngoái do lo ngại suy thoái toàn cầu. Vào giữa tháng 3, giá dầu Brent giảm xuống gần 70 USD/thùng – mức thấp nhất trong 15 tháng – do khủng hoảng ngân hàng gần đây bởi những vụ phá sản các ngân hàng khu vực của Mỹ và Credit Suisse. Cuối tuần trước, giá dầu Brent tăng trở lại lên gần 80 USD/thùng sau khi Iraq bị gián đoạn sản xuất.

Ả Rập Xê Út dẫn đầu đợt cắt giảm sản lượng mới.

Ả Rập Xê Út dẫn đầu đợt cắt giảm sản lượng mới.

Theo công ty đầu tư Pickering Energy Partners, đợt cắt giảm này có thể kéo giá dầu lên tới 10 USD/thùng. Goldman Sachs cũng nâng dự báo giá dầu Brent vào cuối năm lên 95 USD/thùng và 100 USD/thùng cho năm 2024.

Đợt cắt giảm này có sự tham gia của 5 thành viên OPEC gồm Ả Rập Xê Út, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Algeria và 2 đồng minh là Kazakhstan và Oman.

Cụ thể, Ả Rập Xê Út sẽ cắt 500.000 thùng/ngày, Iraq cắt 211.000 thùng/ngày, UAE cắt 144.000 thùng/ngày, Kuwait cắt 128.000 thùng/ngày, Algeria cắt 48.000 thùng/ngày, Kazakhstan cắt 78.000 thùng ngày và Oman cắt 40.000 thùng/ngày.

Lần cắt giảm sản lượng mới nhất này thêm vào lượng cắt giảm 2 triệu thùng/ngày mà OPEC+ đã thông báo vào tháng 10 năm ngoái. Tổng sản lượng cắt giảm qua 2 đợt này tương đương khoảng 3% sản lượng dầu toàn thế giới.

Vào tháng 2 năm nay, Nga tuyên bố cắt giảm sản lượng đơn phương 500.000 thùng/ngày từ tháng 2 đến cuối năm sau khi các nước phương Tây áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Việc giá dầu giảm từ đầu năm thắt chặt ngân sách chính phủ Nga, khiến đồng rúp giảm hơn 20% so với USD kể từ tháng 11.

Mỹ đang vận động các nước sản xuất dầu tăng nguồn cung và hỗ trợ giảm giá năng lượng để duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời hạn chế nguồn thu quan trọng mà Nga sử dụng để tài trợ cho chiến tranh. Chính quyền Biden chỉ trích thông báo mới nhất của OPEC+, với người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia nói: “Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm là điều nên làm vào thời điểm này do thị trường bất ổn – và chúng tôi đã nói rõ điều đó”.