VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Ông chủ Tân Hiệp Phát kinh doanh bất động sản ra sao trước khi bị bắt?

Ông chủ Tân Hiệp Phát kinh doanh bất động sản ra sao trước khi bị bắt?

06:56 - 13/04/2023

Gia đình ông Trần Quí Thanh thành lập hàng chục công ty bất động sản, tích cực gom đất thông qua đấu giá và vướng vào những cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 10/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành lệnh bắt tạm giam với ông Thanh và bà Phương.

Ông Thanh là nhà sáng lập, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát, trong khi bà Phương và bà Bích – hai con gái của ông – là các phó tổng giám đốc công ty. Ba bị can, cùng một số cá nhân khác, bị cáo buộc đã thực hiện các hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “trốn thuế”, “cưỡng đoạt tài sản” là những dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và TP HCM từ tháng 11/2020.

Từ trái qua phải: Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Nguồn: Bộ Công an.

Từ trái qua phải: Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích. Nguồn: Bộ Công an.

Mặc dù ông Thanh và gia đình gây dựng gia sản từ nước giải khát, nhưng trong những năm gần đây, họ bắt đầu lấn mạnh sang lĩnh vực bất động sản.

Tháng 6/2018, ông Thanh trở thành Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Bất động sản TP HCM, với ý định dùng số tiền mặt dồi dào của mình để hỗ trợ các thành viên câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án bất động sản.

Khi đó, ông Thanh cho biết Tân Hiệp Phát không giới hạn phân khúc sản phẩm và vai trò kinh doanh trong lĩnh vực này mà tất cả đều tập trung vào nhu cầu và cơ hội của thị trường. Công ty cũng tiết lộ sẽ chọn TP HCM và Bình Dương để phát triển các dự án bất động sản.

Ông Thanh khẳng định vốn và quỹ đất là hai lợi thế lớn nhất mà Tân Hiệp Phát có khi tiến váo lĩnh vực bất động sản. Còn về kinh nghiệm, kiến thức, ông cho biết doanh nghiệp đang tích lũy dần để chờ thời cơ chín muồi.

Trong giai đoạn 2017-2021, gia đình ông Thanh đã thành lập gần 40 công ty có ngành nghề kinh doanh là bất động sản. Phần lớn các công ty này do bà Phương đứng tên đại diện pháp luật. Một số công ty do ông Thanh, bà Bích hoặc bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh) làm đại diện.

Đặc biệt, trong tuần từ 18-24/4/2019, họ thành lập 10 công ty có cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Phương nắm giữ 99,9%, bà Bích và bà Nụ mỗi người nắm giữ 0,05%.

Ngày 14/5/2019, Công ty cổ phần Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu không đổi.

Đây là những công ty bất động sản có vốn điều lệ lớn nhất do gia đình ông Thanh thành lập. Trước đó, họ cũng thành lập hàng chục công ty bất động sản có quy mô nhỏ hơn, trong đó lớn nhất là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh (vốn điều lệ 901 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng).

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi thành lập, hầu hết các công ty này đều tuyên bố giải thể với lý do không có dự án để đầu tư.

Tân Hiệp Phát sở hữu một lô đất 12.077 m2 ở tuyến đường Bạch Đằng, Đà Nẵng.

Tân Hiệp Phát sở hữu một lô đất 12.077 m2 ở tuyến đường Bạch Đằng, Đà Nẵng.

Đến giai đoạn năm 2021-2022, Tân Hiệp Phát lại thành lập mới hơn chục công ty bất động sản với vốn điều lệ khoảng vài trăm tỷ đồng mỗi công ty. Phần lớn vẫn do bà Phương đứng tên.

Cùng với việc thành lập doanh nghiệp, gia đình ông Thanh cũng tích cực gom quỹ đất, tập trung vào những khu đất được Nhà nước hoặc ngân hàng đem ra đấu giá.

Tân Hiệp Phát đã mua nhiều lô đất vàng tại TP HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu … Ở Đà Nẵng, Tân Hiệp Phát sở hữu lô đất 12.077 m2 trên tuyến đường Bạch Đằng, hay lô đất 1.836 m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và đường Trần Hưng Đạo. Ở Vũng Tàu, gia đình ông Thanh chi 394 tỷ đồng để sở hữu khu đất 18.165 m2 ở trung tâm thành phố.

Tại TP HCM, Tân Hiệp Phát mua 8 mảnh đất trị giá 163 tỷ đồng từ bà Đinh Thị Tuyết Nhung vào tháng 4/2018.

Tố cáo chiếm đoạt tài sản thông qua vay nóng

Giống như ở lĩnh vực nước giải khát, Tân Hiệp Phát cũng vướng phải một số bê bối trong lĩnh vực bất động sản.

Tháng 3/2021, căn cứ theo đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai – và một số người khác, cơ quan điều tra khởi tố bà Phương, bà Bích và một số cá nhân khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TP HCM và Đồng Nai.

Những người này tố giác hai con gái của ông Thanh và một số cá nhân chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng thông qua chuyển nhượng dự án và trốn thuế tại Công ty cổ phần Bất động sản Minh Thành Đồng Nai và Công ty Đầu tư và Xây dựng Nhơn Thành.

Công ty Kim Oanh Đồng Nai cho biết đã vay 350 tỷ đồng từ gia đình bà Phương với lãi suất 3%/tháng thông qua một hợp đồng giả cách (các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác) chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Minh Thành Đồng Nai và dự án Khu dân cư tại xã An Phước. Tuy nhiên, sau khi Kim Oanh Đồng Nai trả tiền khoản vay này thì phía Tân Hiệp Phát không chấp nhận.

Đến tháng 11/2022, cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án này để chờ kết quả giám định.

Công ty Kim Oanh Đồng Nai cáo buộc Tân Hiệp Phát chiếm đoạt dự án Khu dân cư tại xã An Phước.

Công ty Kim Oanh Đồng Nai cáo buộc Tân Hiệp Phát chiếm đoạt dự án Khu dân cư tại xã An Phước.

Vào tháng 11/2020, ông Nguyễn Văn Chung – Tổng giám đốc Công ty TNHH Đo đạc, tư vấn, thiết kế, xây dựng DCB – cũng tố cáo bà Phương chiếm đoạt hai khu đất trị giá gần 200 tỷ đồng ở TP HCM thông qua việc cho vay 35 tỷ đồng sử dụng hợp đồng giả cách.

Ông Chung sau đó bị Công an TP HCM khởi tố, bắt giảm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến một vụ án khác.

Tân Hiệp Phát và các lãnh đạo cũng từng bị điều tra liên quan đến vụ đấu giá các lô đất tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào năm 2019-2020.