VNReport»Kinh tế»Tài chính»Sau khi NHNN giảm lãi suất, IMF kêu gọi châu Á tiếp tục thắt chặt tiền tệ

Sau khi NHNN giảm lãi suất, IMF kêu gọi châu Á tiếp tục thắt chặt tiền tệ

11:22 - 14/04/2023

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vì rủi ro lạm phát vẫn đáng kể, các nước châu Á nên duy trì chính sách tiền tệ “chặt hơn trong thời gian dài hơn”.

Các ngân hàng trung ương châu Á cần phải duy trì chính sách tiền tệ “chặt hơn trong thời gian dài hơn” để chống lại rủi ro lạm phát vẫn đáng kể, theo Krishna Srinivasan – giám đốc Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Lời kêu gọi của IMF được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 3, với 2 lần giảm lãi suất điều hành, bao gồm giảm 1 điểm phần trăm lãi suất tái chiết khấu và 0,5 điểm lãi suất tái cấp vốn.

Một số ngân hàng trung ương khác trong khu vực cũng đã bắt đầu tạm dừng tăng lãi suất khi họ nhận thấy tăng trưởng kinh tế giảm sút do tác động của những thách thức toàn cầu và quá trình thắt chặt tiền tệ trước đó. Đầu tháng 4, ngân hàng trung ương của Úc lần đầu tiên không tăng lãi suất trong 11 cuộc họp, trong khi Singapore tạm dừng tăng lãi suất vào hôm nay.

NHNN có 2 đợt giảm lãi suất điều hành kể từ giữa tháng 3.

NHNN có 2 đợt giảm lãi suất điều hành kể từ giữa tháng 3.

Năm ngoái, NHNN từng tăng lãi suất điều hành 2 lần vào tháng 9 tháng 10, với tổng mức tăng 2 điểm phần trăm đối với cả lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn.

Trong những thông báo giảm lãi suất điều hành gần đây, NHNN cho biết mục đích là nhằm giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trong quý I/2023, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 3,32% – mức thấp thứ hai trong các quý I kể từ năm 2011 đến nay. Tốc độ này cũng thấp hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế.

“Lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao và gần đây trở thành một động lực quan trọng hơn của lạm phát toàn phần, điều này có thể dẫn đến lạm phát và áp lực tiền lương dai dẳng hơn”, ông Srinivasan nói. “Khoảng cách sản lượng của các nền kinh tế châu Á đang thu hẹp hoặc đã đóng lại, và việc mất giá đồng nội tệ năm ngoái vẫn đang lan đến giá cả trong nước. Những yếu tố này cho thấy cuộc chiến kiềm chế lạm phát vẫn chưa kết thúc”.

Ở Việt Nam, lạm phát toàn phần đã giảm trong 2 tháng liên tiếp, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, CPI cơ bản – không bao gồm năng lượng, lương thực, thực phẩm tươi sống và mặt hàng do Nhà nước quản lý – tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Mức lạm phát cơ bản này chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất trong 10 năm vào tháng 1/2023 (5,21%).

Về tăng trưởng kinh tế, ông Srinivasan cho biết triển vọng toàn cầu vẫn ảm đạm, nhưng việc Trung Quốc tái mở cửa sẽ củng cố nền kinh tế châu Á thông qua gia tăng thương mại và tiêu dùng.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở mức 4,6% trong năm nay, tăng 0,3 điểm so với dự báo hồi tháng 10 và nhanh hơn mức tăng 3,8% vào năm 2022. Dự báo mới nhất cho thấy khu vực này sẽ đóng góp hơn 70% tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

IMF kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng 3,0% của năm trước. “Nền kinh tế mở cửa trở lại của Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ và điều này sẽ tạo ra tác động lan tỏa tích cực đến các đối tác thương mại của nước này, tạo động lực mới cho tăng trưởng của châu Á”, ông Srinivasan cho biết.

Kinh tế Việt Nam được tổ chức này dự báo tăng trưởng 5,8% trong năm nay, không đổi so với dự báo hồi cuối năm ngoái.

Những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ và châu Âu làm tăng thêm bất ổn về triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến IMF cảnh báo rằng các lỗ hổng hệ thống tài chính tiềm ẩn có thể bùng phát thành một cuộc khủng hoảng mới và làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

Tuy nhiên, tác động của căng thẳng ngân hàng toàn cầu gần đây đối với châu Á cho đến nay vẫn ít, khi mức độ tiếp xúc trực tiếp của các ngân hàng và nhà đầu tư châu Á đối với Ngân hàng Thung lũng Silicon ở mức tối thiểu, ông Srinivasan nói.

“Trừ khi căng thẳng gia tăng và gây lo ngại về sự ổn định trên diện rộng, các ngân hàng trung ương nên tách các mục tiêu chính sách tiền tệ khỏi mục tiêu ổn định tài chính”.