VNReport»Kinh tế»Tài chính»Ngân hàng Thế giới: Ngành tài chính Việt Nam chịu áp lực thanh khoản và lãi suất cao

Ngân hàng Thế giới: Ngành tài chính Việt Nam chịu áp lực thanh khoản và lãi suất cao

09:41 - 19/04/2023

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, theo Ngân hàng Thế giới.

Trong một báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo những rủi ro đối với ngành tài chính Việt Nam và dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại.

Theo báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có tên “Phục hồi tăng trưởng”, lĩnh vực tài chính của Việt Nam được nhận định tiếp tục chịu áp lực cao về thanh khoản và lãi suất, mặc dù đã ổn định sau thời gian sốc thanh khoản ngắn trong quý III/2022.

Trong quý IV/2022, nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng và nâng tỷ lệ cho vay trên vốn huy động vượt ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều này buộc các ngân hàng này phải tăng mạnh lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi.

Nhà đầu tư vẫn thận trọng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau vụ lừa đảo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và căng thẳng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – khiến ngân hàng này bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Đáng chú ý, WB thống kê rằng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng Việt Nam thấp nhất trong số các nước Đông Nam Á, chỉ đạt 11% vào tháng 10/2022. Điều này nghĩa là ngành ngân hàng Việt Nam có ít vùng đệm để chống chịu trước những cú sốc.

4 ngân hàng thương mại quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) – chiếm 45% tổng tài sản hệ thống ngân hàng – có CAR chỉ cao hơn một chút so với ngưỡng tối thiêu theo quy định là 8%.

Tỷ lệ nợ xấu tài chính tiêu dùng cao và tăng nhanh từ mức 4,9% năm 2019 lên 9,1% năm 2022.

Năm 2023, WB dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3%, giảm so với tốc độ 8% trong năm ngoái và mức dự báo 6,7% hồi tháng 10. Mặc dù vậy, đây là tốc độ tăng trưởng dự báo cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Indonesia được dự báo tăng trưởng 4,9%, Malaysia 4,3%, Philippines 5,6%, Thái Lan 3,6%. Campuchia, Lào và Myanmar lần lượt được dự báo tăng trưởng 5,2%, 5,2% và 3%.

Dự báo chung của WB cho nhóm 5 nền kinh tế lớn ở ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam) hạ từ mức 5,1% vào tháng 10 xuống 4,9%. Trong khi đó, tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 4,5% lên 5,1%, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng tốc sau khi tái mở cửa.

Triển vọng của Việt Nam phản ánh bất ổn gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu, theo WB. Ở bên ngoài, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng khi các thị trường xuất khẩu chủ lực tăng trưởng chậm, điều kiện huy động tài chính thắt chặt. Ở trong nước, những rủi ro bao gồm lạm phát gia tăng, bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp, ngân hàng, hộ gia đình bộc lộ yếu kém, và khu vực tài chính có nguy cơ dễ tổn thương.

WB khuyến nghị Việt Nam cần ứng phó chính sách theo hướng thận trọng, dựa vào bằng chứng và dữ liệu. Trong đó, bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, và giám sát chắc khu vực tài chính.

Tăng trưởng của Việt Nam cũng có thể cao hơn dự báo nếu kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng và nâng xuất khẩu lên. Ngoài ra, WB đánh giá Việt Nam có nhiều dư địa hơn so với các nước khác để triển khai các chính sách thúc đẩy tăng trưởng.

Gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,8%, từ mức 6,2% hồi cuối năm 2022. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2023

Trong quý I, nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, theo Tổng cục Thống kê. Đây là tốc độ tăng trưởng quý I thấp thứ hai trong một thập kỷ qua.