VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Mỗi năm, người Việt chi bao nhiêu tiền cho giáo dục – đào tạo?

Mỗi năm, người Việt chi bao nhiêu tiền cho giáo dục – đào tạo?

09:21 - 18/05/2023

Chi giáo dục đào tạo chủ yếu giảm ở hai khoản chi là chi cho học thêm và chi giáo dục khác.

Theo Khảo sát mức sống dân cư năm 2022 được Tổng Cục Thống kê công bố, năm 2022, tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Việt Nam lần lượt là 95,8%, 90,5% và 77,2%.

Trong vòng 10 năm từ 2012 đến 2022, các tỷ lệ đi học đúng tuổi đều có xu hướng tăng, đặc biệt là tỷ lệ đi học đúng tuổi trung học phổ thông (tăng từ 59,4% năm 2012 lên 77,2% năm 2022). Đầu tư cho giáo dục của hộ gia đình cũng ngày càng cải thiện thể hiện ở chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm cho 1 người đi học, tuy nhiên năm 2022 có phần giảm so với năm 2020.

Năm 2022 chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 năm của 1 người đi học là 7 triệu đồng; giảm khoảng 70 nghìn đồng so với năm 2020. Chi giáo dục đào tạo chủ yếu giảm ở hai khoản chi là chi cho học thêm và chi giáo dục khác (gồm các loại hình đào tạo khác ngoài chính quy).

Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí, trái tuyến (chiếm 40,3%), học thêm (chiếm 16,6%) và chi giáo dục khác (chiếm 19,3%) là các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn. Các khoản chi cho giáo dục, đào tạo năm 2022 đều tăng so với 2020 trừ hai khoản giảm là chi cho học thêm và chi giáo dục khác.

Tại Báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ cho thấy, dự toán chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục – đào tạo là 275.709 tỷ đồng trên tổng số 1.784.600 tỷ đồng chi ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15,45% tổng chi ngân sách.

Nếu tính riêng tổng chi đầu tư cho giáo dục – đào tạo, có thể thấy mức tăng khá cao so với 2021. Tổng chi cho đầu tư năm 2022 khoảng hơn 55.000 tỷ đồng, chiếm 16,6% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo (tăng tới 49,2% so với chi đầu tư năm 2021).

Theo báo cáo của các địa phương, chi đầu tư phát triển cho giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tập trung chủ yếu để tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật; nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung bộ thiết bị dạy học tối thiểu, bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời, bộ máy tính; bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ…

Trong khi đó, đối với lĩnh vực y tế, số liệu khảo sát cho thấy,  tỷ lệ người có khám chữa bệnh trong 12 tháng là 27,7%, giảm 9,2 điểm % so với năm 2020. Dịch Covid-19 có lẽ gây tâm lý lo ngại việc phải đi khám chữa bệnh trong người dân, tỷ lệ khám bệnh ngoại trú năm 2022 là 26,4% và nội trú là 3,6%; giảm tương ứng 7,5 điểm % và 3,5 điểm % so với năm 2020.

Cảnh người dân có con đi mua hồ sơ, nộp hồ sơ thi vào một trường nổi tiếng ở Hà Nội. 

Năm 2022, có 89,2% người có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí, không có sự khác biệt về tiếp cận thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí giữa khu vực, vùng, mức sống và giới tính. Hai vùng có tỷ lệ người có thẻ bảo hiểm y tế hay sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh miễn phí thấp nhất  là Tây Nguyên (84,3%) và Đông Nam Bộ (84,6%).

Chi tiêu y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh năm 2022 cũng giảm so với 2020, cụ thể năm 2022 là 2,5 triệu đồng trong khi năm 2020 là hơn 3 triệu đồng. Năm 2022, chi tiêu bình quân một người có khám chữa bệnh nội trú xấp xỉ 9 triệu đồng và một người có khám chữa bệnh ngoại trú là gần 1,4 triệu đồng.

Thành thị có mức chi y tế bình quân 1 người có khám chữa bệnh cao hơn nông thôn (2,8 triệu đồng so với 2,3 triệu – chênh lệch gần 500.000 đồng/người có khám chữa bệnh).