VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»EVN tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

EVN tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc

17:58 - 24/05/2023

EVN đang tìm cách giải quyết trước mắt tình trạng thiếu điện thông qua một số giải pháp bao gồm tăng nhập khẩu điện, mua điện từ các nguồn tái tạo trong nước, và huy động nhiệt điện chạy bằng dầu diesel và dầu mazut.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đàm phán để mua thêm điện từ Lào và Trung Quốc trong bối cảnh hệ thống trong nước không còn điện dự phòng, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết.

Theo ông Nhân, các nguồn điện lớn gồm thủy điện, nhiệt điện đều giảm nên công suất khả dụng của hệ thống điện quốc gia và miền Bắc chỉ lần lượt đạt khoảng 42 GW và 19 GW vào cao điểm buổi chiều, 39,2 GW và 18 GW vào cao điểm buổi tối. Vì vậy, EVN phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy bằng dầu diesel và dầu mazut.

Việc thiếu điện dẫn đến việc một số khu vực ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bị cắt điện. Tuần trước, Thủ tướng cảnh báo nguy cơ thiếu điện cục bộ và chỉ đạo một số giải pháp trước mắt để đảm bảo nguồn cung điện.

Nhập khẩu điện là một trong những biện pháp để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu điện.

Nhập khẩu điện là một trong những biện pháp để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu điện.

EVN cho biết cũng đã triển khai nhiều giải pháp như làm việc với Tổng công ty Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để cung cấp than, khí, dầu cho các nhà máy điện.

Tập đoàn đã đàm phán với chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời đủ điều kiện phát điện lên lưới quốc gia, đồng thời phối hợp với các địa phương tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tập đoàn đang thực hiện thêm các nỗ lực để bổ sung những nguồn năng lượng mới, bao gồm đàm phán với nhà đầu tư các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đến nay, đã hoàn thành 15 hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 1,15 GW và giá tạm tính bằng 50% khung giá.

Tuy nhiên, tính đến ngày 21/5, EVN mới hòa lưới quốc gia được 85 MW điện từ Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, trong khi các chủ đầu tư khác đang hoàn thiện quy định pháp luật liên quan.

Bộ Công Thương chưa chỉ đạo EVN về giá mua tạm thời điện gió, điện mặt trời và điện phát lên lưới theo chỉ đạo của Chính phủ, nên quá trình đàm phán còn nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, EVN đã đàm phán mua điện thành công từ Trung Quốc qua đường dây 110 kV Đông Hưng – Móng Cái trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 với công suất 70 MW. Nguồn công suất bổ sung này được đưa lên lưới từ 0h ngày 24/5. Tập đoàn cũng đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào thông qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông và Nậm San.

Thực tế, Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển thủy điện và mua bán điện. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, tổng công suất nguồn điện Việt Nam nhập khẩu từ Lào tối thiểu 3.000 MW; trong giai đoạn 2025-2030 tối thiểu 5.000 MW. Nước ta cũng từng nhập khẩu điện từ Trung Quốc để cung cấp cho miền Bắc trong giai đoạn thiếu điện trầm trọng ở thập kỷ 2000.

Năm 2020, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào với công suất khoảng 572 MW, từ Trung Quốc với công suất trên 450 MW. Công suất nhập khẩu chiếm gần 2% tổng công suất toàn hệ thống.

Sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc từng đạt đỉnh 5,6 tỷ kWh vào năm 2010 (chiếm 5,6% sản lượng điện toàn hệ thống), bù đắp đáng kể lượng điện thiếu hụt trong nước. Kể từ khi Nhà máy Thủy điện Sơn La đi vào vận hành, Việt Nam về cơ bản có đủ điện, dẫn đến sản lượng điện nhập khẩu ngày càng giảm.

Theo Ủy ban Kinh tế, năm 2020, giá mua điện bình quân từ Trung Quốc là 1.281 đồng/kWh và từ Lào là 1.368 đồng/kWh, đều rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước khi đó là 1.486 đồng/kWh.