VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Xu hướng giảm phát hành mới, tăng mua lại trái phiếu doanh nghiệp tiếp diễn trong tháng 5

Xu hướng giảm phát hành mới, tăng mua lại trái phiếu doanh nghiệp tiếp diễn trong tháng 5

09:50 - 12/06/2023

Trong tháng 5, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ đạt 2.600 tỷ đồng, trong khi giá trị mua lại trước hạn lên tới 22.789 tỷ đồng.

Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các doanh nghiệp tiếp tục xu hướng hạn chế phát hành trái phiếu mới và tăng mua lại trái phiếu hiện hữu trong tháng 5.

Chỉ có 4 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được thực hiện trong tháng với tổng giá trị phát hành 2.600 tỷ đồng. Số trái phiếu này đến từ Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo – một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu. Các trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9%/năm.

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 34.258 tỷ đồng. Trong đó có 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84% tổng giá trị).

Trong tổng giá trị phát hành từ đầu năm, lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 56,7%. Tiếp đến là nhóm hàng tiêu dùng (30,2%), vật liệu (7,6%), xây dựng (2,4%), lĩnh vực khác (3%) và ngân hàng (0,1%).

Trước đó, vào tháng 4, cũng chỉ có 2 đợt phát hành mới (1 đợt riêng lẻ và 1 đợt ra công chúng) với tổng giá trị 2.671 tỷ đồng, sau khi thị trường ghi nhận tới 11 đợt phát hành vào tháng 3 với tổng giá trị 26.425 tỷ đồng. Việc hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trầm lắng trở lại 2 tháng liên tiếp cho thấy tác động hạn chế của Nghị định 08. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cao hiện nay cũng khiến các doanh nghiệp giảm sử dụng vốn vay, dẫn đến lượng phát hành mới thấp.

Trong khi lượng phát hành mới vẫn thấp, các doanh nghiệp đang tăng cường mua lại trái phiếu hiện hữu. Tháng 5 vừa qua, có 22.789 tỷ đồng trái phiếu được mua lại trước hạn, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng hơn 50% so với tháng 4.

Mặt khác, trong tháng 5, có 16 doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu, tất toán trước hạn và 19 doanh nghiệp thông báo đã đạt được thỏa thuận thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu.

Theo VBMA, ước tính 7 tháng cuối năm 2023 sẽ có khoảng 195.237 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tập trung nhiều nhất vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9.

Theo báo cáo của VNDirect vào đầu tháng 4/2023, ước tính giá trị đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay vào khoảng 232.600 tỷ đồng.

Trong đó, quý II sẽ có hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý I. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý này. Đứng thứ hai là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ trọng hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.

Đến quý III, VNDirect ước tính sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong quý IV, con số này là 52.321 tỷ đồng.