VNReport»Kinh tế»Bất động sản»M&A ngành bất động sản: Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng vẫn chưa chốt

M&A ngành bất động sản: Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng vẫn chưa chốt

09:27 - 19/06/2023

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS hiện vẫn đang “hấp dẫn”, thu hút sự quan tâm của một lượng lớn các tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên mua vẫn chỉ ở chế độ “hỏi giá”, thương vụ M&A lớn vẫn chưa hiện diện.

Theo Hội môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS), thời gian gần đây, hoạt động M&A BĐS nhận được nhiều sự quan tâm với lợi thế có vẻ đang nghiêng về bên mua.

Đầu năm 2022, hoạt động M&A diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn. Các doanh nghiệp bất động sản thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn, từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản công nghiệp, văn phòng. Tổng giá trị các giao dịch M&A quý 1/2022 cao hơn cả tổng giá trị từng năm 2019 – 2021.

Sang năm 2023, bước vào giai đoạn “dòng tiền khó”, vướng mắc thủ tục đầu tư, pháp lý kéo dài, thanh khoản sụt giảm, điều kiện vay vốn ngày càng khó khăn khiến DN phải tính đến việc bán một phần hoặc toàn bộ dự án. Đây là hướng đi giúp các doanh nghiệp có thể xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh khỏi tình trạng sụp đổ, giải thể và mang đến dòng tiền để tiếp tục triển khai các dự án khác. Thị trường M&A hứa hẹn tăng nhiệt với nhiều thương vụ đầu tư quy mô lớn.

 

Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường BĐS hấp dẫn của Việt Nam. (Ảnh minh hoạ)

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường BĐS hiện vẫn đang “hấp dẫn”, thu hút sự quan tâm của một lượng lớn các tổ chức trong và ngoài nước.

“Một số DN đã mạnh tay chi tiền nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận mảng kinh doanh. Tuy nhiên, số lượng giao dịch thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những thương vụ M&A lớn vẫn chưa hiện diện”, VARS nhận định.

Theo VARS, số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án BĐS tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ mới chỉ đang trong quá trình thẩm định, đàm phán.

Nguyên nhân xuất phát từ việc trong quá trình đàm phán, chiếm ưu thế về dòng tiền, nên bên mua thường mặc cả, chỉ muốn mua với mức giá thấp. Ưu tiên những dự án pháp lý sạch, có vị trí đẹp, có tiềm năng trong tương lai với giá bán giảm 10%-20%.

Trong khi đó, DN rất khó chấp nhận bán tài sản với giá rẻ sau khi đã bỏ rất nhiều công sức và chi phí cho việc tạo lập quỹ đất, dự án, thực hiện pháp lý. Một phần nguyên nhân khác dẫn đến hai bên không chốt được thương vụ do nhiều chủ đầu tư dự án vẫn “tiếc”, đặt kỳ vọng quá cao nên đưa ra mức giá chưa thật sự thuyết phục người mua.